Sự ganh đua về vượt trội kinh tế, công nghệ, địa chính trị và thậm chí cả ý thức hệ trên Trái đất vốn là một phần của quy luật vận động và không gian trở thành một phần mở rộng tự nhiên, cũng là biên giới quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa hai quốc gia. Do bản chất của công nghệ vũ trụ vượt xa khoa học đơn thuần, ngoài mục tiêu quốc phòng, phần lớn cuộc sống trên Trái đất từ liên lạc kỹ thuật số đến điều hướng đều phụ thuộc vào các vệ tinh trong không gian. Vì vậy, dễ hiểu tại sao Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn tranh giành quyền lực bên ngoài vũ trụ.
Sau sự sụp đổ của chương trình không gian của Liên Xô, Hoa Kỳ đã có một thời kỳ dẫn đầu về lĩnh vực này. Tuy nhiên những năm gần đây, các nhà quan sát và chính trị gia nước này đã cảnh báo rằng sự thống trị của Mỹ có thể sớm bị thách thức bởi khả năng không gian đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Mối quan tâm trở nên sâu sắc hơn khi Trung Quốc đặt dấu mốc một loạt thành tựu quan trọng và nổi bật. Chẳng hạn như năm 2019, đất nước tỉ dân trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh trên mặt trăng. Năm ngoái, quốc gia này đã đưa vào quỹ đạo thành công vệ tinh Beidou cuối cùng, tạo tiền đề thách thức Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Hoa Kỳ. Chỉ mới tháng trước đây, Trung Quốc được công nhận là quốc gia duy nhất sau Mỹ đưa tàu vũ trụ đang hoạt động lên sao Hỏa.
Những bước đột phá trên khiến NASA lo lắng về sự trỗi dậy và cảnh báo tham vọng không gian của Trung Quốc. Tại cuộc điều trần tại Hạ viện vào tháng trước, Bill Nelson từ NASA đã đưa ra một hình ảnh do tàu thám hiểm của Trung Quốc chụp trên sao Hỏa, gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh rất hung hăng” và vận động Quốc hội tài trợ cho kế hoạch đưa con người trở lại mặt trăng của đơn vị này.
Bất chấp những tiến bộ mới nhất, công nghệ vũ trụ của Trung Quốc vẫn chưa đạt được trình độ của Mỹ. Tuy nhiên chương trình không gian của Trung Quốc nhận được hỗ trợ chính trị và chi phí từ Đảng Cộng Sản cầm quyền, coi đây thước đo chính cho vị thế có chủ đích và tính hợp pháp trong nước.
Tuần trước, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong không gian bước sang một giai đoạn mới khi ba phi hành gia Trung Quốc đến trạm vũ trụ vẫn đang được xây dựng của nước này để ở lại ba tháng. Hiện trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), hợp tác giữa Hoa Kỳ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Trong 23 năm qua, ISS trở thành điểm đến của hơn 200 phi hành gia đến từ 19 quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Kể từ năm 2011, NASA đã bị cấm hợp tác với Trung Quốc do lo ngại liên quan đến gián điệp.
Sự kiện này là nguyên nhân một phần thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng trạm vũ trụ riêng Tiangong dự kiến hoàn thành vào cuối năm tới, hai năm trước khi ISS dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024. Nếu Mỹ và Các đối tác quốc tế không kéo dài thời gian hoạt động của ISS, trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc có khả năng chiếm ưu thế bởi trong khi ISS ra đời từ đống tro tàn của Chiến tranh Lạnh còn Tiangong được xây dựng trong bối cạnh đàm phán mới. Rất có thể trong những năm tới, các liên minh trong không gian sẽ ngày càng phản chiếu các đường địa chính trị trên Trái đất.
Các quan chức không gian Trung Quốc bày tỏ mong muốn chào đón các phi hành gia nước ngoài đến thăm trạm vũ trụ của nước này sau khi hoàn thành. Trung Quốc cũng đang bắt tay với Nga để xây dựng một trạm nghiên cứu chung trên cực nam của Mặt Trăng vào năm 2035, mở cửa cho sự tham gia của quốc tế.
Phía Mỹ khẩn trương xây dựng liên minh quốc tế nhằm thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng an toàn và có trách nhiệm. Hiệp định Artemis, được NASA công bố vào tháng 5 năm ngoái, đã được ký kết bởi 12 quốc gia, bao gồm Mỹ và các đồng minh quan trọng như Anh, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều không tham gia ký kết.
TL