Từ đầu năm 2019, cổ phiếu hãng chip Nvidia (Mỹ) đã tăng 31 lần, nhờ sự thống trị trong lĩnh vực chip AI toàn cầu. Rất nhiều nhân viên của hãng trở thành triệu phú USD nhờ nắm giữ cổ phiếu công ty. Dù vậy, rất ít người có thời gian cho những chuyến du lịch, hoạt động giải trí, hay tìm mua nhà vì công việc bận rộn và nhiều áp lực.
Trên Bloomberg, các nhân viên và cựu nhân viên hãng chip này cho biết, nhà sáng lập kiêm CEO Jensen Huang đã xây dựng một văn hóa làm việc cầu toàn và điên cuồng. Ông thường thức dậy lúc 6h để tập thể dục, sau đó làm việc 14 tiếng mỗi ngày. "Tôi luôn muốn làm việc khó, tiếp đến là cực kỳ khó", CEO 61 tuổi chia sẻ trên podcast 20VC hồi tháng 3.
Tại Nvidia, Huang luôn trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề cùng nhân viên. Các lãnh đạo cấp dưới cũng vậy. Một người có thể nhận báo cáo trực tiếp từ hàng chục nhân viên khác.
Một cựu nhân viên từng làm hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng doanh nghiệp cho biết, anh được yêu cầu làm việc 7 ngày/tuần. Có ngày làm đến 1-2 giờ sáng. Nhiều đồng nghiệp cũ của anh, đặc biệt trong nhóm kỹ thuật, còn phải làm nhiều giờ hơn.
Mô tả môi trường làm việc tại công ty, người này cho biết mọi thứ không khác gì “nồi áp suất”, đi họp như đi cãi nhau. Vì thu nhập cao, anh cố gắng trụ lại song cuối cùng cũng phải rời đi vào tháng 5 vừa rồi.
Một nhân viên khác từng làm tại bộ phận marketing đến năm 2022 cho biết, cô thường tham gia 7-10 cuộc họp/ngày. Mỗi cuộc họp có hơn 30 người tham gia. Tranh cãi là chuyện ‘cơm bữa’. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng làm việc trong 2 năm vì mức thu nhập hấp dẫn.
Nvidia, nhà sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Santa Clara, California (Mỹ), tự hào có tỷ lệ hao hụt nhân viên tương đối thấp do nhân sự của công ty được cấp cổ phiếu thường có thời hạn 4 năm.
Kể từ năm 2019, cổ phiếu của Nvidia đã tăng vọt 3.776% - điều này có nghĩa là những nhân viên đã làm việc tại công ty trong 5 năm qua có khả năng trở thành triệu phú.
Công ty này đã trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất khi nhu cầu về chất bán dẫn tăng song song với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Theo Bloomberg News, gói bồi thường bằng cổ phiếu là động lực mạnh mẽ để nhân viên vượt qua khó khăn và gắn bó với công ty.
Vào năm 2023, 5,3% nhân viên đã rời công ty, nhưng sau khi định giá của công ty đạt đỉnh 1 nghìn tỷ đô la, tỷ lệ luân chuyển đó đã giảm gần một nửa, xuống còn 2,7%, theo báo cáo phát triển bền vững năm 2024 của công ty. Tỷ lệ luân chuyển chung của ngành công nghiệp bán dẫn cao hơn nhiều, ở mức 17,7%, theo Nvidia.
Trong một cuộc họp nhân viên vào cuối năm ngoái, các nhân viên đã phàn nàn với CEO Huang rằng, một số đồng nghiệp của họ đang ở chế độ "bán nghỉ hưu".
"Những người đã làm việc tại công ty trong gần một thập kỷ sẽ có đủ tiền để nghỉ hưu", theo một cựu nhân viên kỹ thuật đã rời công ty vào tháng 6. Tuy nhiên, nhiều người không làm như vậy, vì còn hàng triệu người khác đang chờ đợi khi khoản trợ cấp cổ phiếu tiếp theo được trao.
Đợt tăng giá cổ phiếu bùng nổ cũng có nghĩa là nhiều nhân viên của Nvidia đang ngồi trên những núi tiền lớn hơn so với những người đồng cấp tại các nhà sản xuất chip khác. Giám đốc Tài chính Colette Kress, người đã gia nhập công ty cách đây 11 năm, sở hữu cổ phiếu trị giá khoảng 758,7 triệu USD.
Hai năm qua, cựu nhân viên kỹ thuật kể trên thường xuyên thấy đồng nghiệp lướt các website bất động sản và bóng gió về những ngôi nhà nghỉ dưỡng mới khi nói chuyện phiếm. Việc họ đến xem các sự kiện thể thao lớn như giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl và vòng chung kết bóng rổ NBA Finals cũng trở nên phổ biến.
Spencer Hsu, một môi giới bất động sản tại Palo Alto, California, đã làm việc với nhiều nhân viên của Nvidia trong năm nay. "Chúng tôi chỉ trao đổi được vào buổi tối và cuối tuần. Tôi rất ngạc nhiên khi biết họ có bao nhiêu tiền từ cổ phiếu", anh nói. Nhóm này thường trả trước 40-60% giá trị với các căn nhà triệu USD.
Ngoài vấn đề thu nhập, Airan Junior - nhân viên hãng chip này từ năm 2020 đến 2023, cho biết "làm việc tại Nvidia giống như ở Disneyland", vì có rất nhiều nhóm cùng giải quyết các vấn đề kỹ thuật thú vị. Junior làm việc cho bộ phận kinh doanh tại Brazil. Anh cho rằng, văn hóa độc đáo của công ty đã góp phần giúp họ thành công vang dội.
Huang cũng từng giải thích phong cách lãnh đạo của ông được định hình qua nhiều lần "đối mặt với nghịch cảnh" trong hơn 30 năm điều hành công ty. Ông luôn nói với các nhân viên rằng, mình đang thúc đẩy họ làm điều quan trọng nhất.
Các nhân viên dường như cũng tán thành phong cách lãnh đạo khác thường của Huang. Theo khảo sát của website tuyển dụng Glassdoor, tỷ lệ ủng hộ ông là 97%, cao hơn so với các đồng nghiệp tại Alphabet (94%), Apple (87%), Meta Platforms (66%) và Amazon.com (54%).
Theo CNBC, Jensen Huang tập trung vào những nơi ông có thể tạo ra tác động tích cực nhất cho Nvidia và nhân viên, bao gồm “lập kế hoạch sản phẩm và chiến lược” và nhận phản hồi về sản phẩm từ khách hàng. Vị CEO này cũng thích gặp gỡ nhân viên tại nhà ăn của Nvidia vì với ông, trách nhiệm hàng đầu của mình là gìn giữ văn hoá công ty.
“Tôi cố gắng dành thời gian, càng nhiều càng tốt, cho những việc mà tôi tin rằng sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến công ty. Mọi người ngạc nhiên về lượng thời gian tôi ăn ở căng tin, dù là bữa trưa hay bữa tối. Ai cũng bất ngờ về thời gian tôi dành cho các cuộc họp với tất cả nhân viên”, ông nói.
Được biết, Huang chính là người đặt nền móng cho sự phát triển AI từ năm 2006 sau khi phát triển chip phục vụ các mục đích ngoài đồ hoạ. Các kỹ sư nhanh chóng bắt đầu tận dụng những con chip này để xây dựng các hệ thống AI phức tạp phù hợp với cách hoạt động của chip đồ họa bằng cách thực hiện vô số phép tính cùng một lúc.
Mai Anh