Cơ hội trở thành "thượng đế" đầu tiên trên thế giới thanh toán trên WhatsApp. Ảnh: EPA
Trước xu hướng sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, các hình thức thanh toán mới liên tục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Dân số của thế giới hiện đã lên tới gần 7,5 tỷ người, trong đó khoảng 42% dưới 25 tuổi và nhiều người trong số này thường sử dụng điện thoại thông minh và truy cập mạng Internet.
Họ khá ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, nhất là các phương thức được tích hợp trên nền tảng di động, giúp cho việc kết nối thanh toán một cách dễ dàng, thuận tiện mà không phải dùng tới tiền mặt hay thẻ tín dụng.
“Trăm hoa đua nở”
Theo một nghiên cứu vào năm 2017 của hãng tư vấn kinh doanh Capgemini SE và ngân hàng BNP Paribas (đều của Pháp), dự báo các công dân thế giới sẽ thực hiện 726 tỷ giao dịch bằng công nghệ thanh toán kỹ thuật số vào năm 2020 và các thị trường mới nổi dự kiến sẽ dẫn đầu xu hướng này.
Số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Vương quốc Anh) cho hay năm 2016, 2/3 các hoạt động mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc là thông qua các thiết bị di động. Trung Quốc hiện là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ người.
Một trong những hình thức thanh toán trên điện thoại di động đáng chú ý hiện nay là QR Pay - thanh toán bằng cách quét mã QR - mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Mã QR sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để tra ra thông tin về trang web, số điện thoại, địa chỉ…, của doanh nghiệp như trước đây.
Người tiêu dùng có thể mua hàng trên trang web, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…, mà không cần dùng tiền mặt, các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.
Đây là một hình thức thanh toán đơn giản, doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu, có thể dễ dàng triển khai với chi phí thấp và ứng dụng đa dạng như thanh toán tại quầy, thanh toán trên hóa đơn, thanh toán trên trang mạng xã hội, tờ rơi...
Nền tảng bán hàng đa kênh đã được phát triển và trở thành hình thức phổ biến trên thế giới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng công nghệ, sự phát triển của thương mại điện tử để tối ưu hóa mô hình kinh doanh của mình.
Tại Ấn Độ, chính phủ tài trợ dự án IndiaQR nhằm thực hiện mục tiêu không dùng tiền mặt với việc người dân có thể mua sắm và thanh toán bằng điện thoại. Còn ở Trung Quốc, nhiều đơn vị bán hàng nhận thanh toán bằng mã QR Code với ước tính, một người dân nước này trung bình tương tác với khoảng 10-15 mã QR/ngày.
Bên cạnh đó, ví điện tử cũng là một cách thức thanh toán mới nổi trong những năm gần đây. Ví điện tử (hay ví số) như PayPal, Google Wallet, Alipay…, là một tài khoản điện tử thường được tích hợp trong các ứng dụng điện thoại hoặc sử dụng qua các trang web có công dụng như một chiếc ví chứa đựng tiền từ các tài khoản ngân hàng, có chức năng thanh toán và giao dịch trực tuyến với các trang web hoặc các loại phí trên Internet mà có liên kết và cho phép thanh toán bằng ví điện tử.
Các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ hợp tác với ngân hàng để quản lý tiền của người dùng và thông qua kết nối này, ngân hàng sẽ giảm sự quản lý các giao dịch thanh toán từ thẻ khách hàng bởi các giao dịch này sẽ do nhà cung cấp ví điện tử quản lý. Thanh toán bằng ví điện tử sẽ làm giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông, góp phần ổn định lạm phát...
Ví điện tử Alipay của Trung Quốc, hiện có khoảng 520 triệu người sử dụng, hiện hỗ trợ hoạt động thanh toán bằng 27 đồng tiền tại 30 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Alipay cũng thiết lập quan hệ hợp tác với một số nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như First Data, Verifone, Payworks và Stripe để mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Alipay North America, Souheil Badran, điều này cho phép người tiêu dùng Trung Quốc có được sự thuận tiện và thoải mái khi mua sắm, sử dụng các dịch vụ cả ở trong nước và nước ngoài.
Một hình thức thanh toán mới đáng chú ý khác là các loại tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền ảo) đang được xem là một loại tiền tệ mới, được dùng để thanh toán hàng hóa dịch vụ.
Các đồng tiền kỹ thuật số được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở và được coi là một bước tiến mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ thông tin.
Tiền kỹ thuật số được giao dịch mua bán trên môi trường Internet và không chịu sự quản lý bởi bên trung gian hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Hiện nay trên thế giới có khá nhiều đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Litecoin (LTC), Monero (XMR), DASH, Ethereum Classic (ETC), hay IOTA (MIOTA)...
Đồng bitcoin. Ảnh: Reuters
Thanh toán không dùng tiền mặt
Tiền kỹ thuật số có giá trị tương đương với tiền mặt, vàng hay các tài sản có giá khác và được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ hay sử dụng ở các trò chơi trực tuyến, mạng xã hội.
Tiền kỹ thuật số có những ưu điểm như chi phí giao dịch thấp (có những đồng tiền hoàn toàn miễn phí giao dịch), thuận tiện trong giao dịch, tạo tiềm năng phát triển cho ngành thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, nhược điểm của tiền kỹ thuật số là không phải quốc gia nào cũng công nhận tính hợp pháp của tiền kỹ thuật số, giá cả tiền kỹ thuật số lên xuống thất thường, biến động liên tục, và là phương tiện mới để các đối tượng tội phạm rửa tiền.
Trang web CoinMarketCap đã công bố danh sách 10 loại tiền kỹ thuật số tăng trưởng tốt nhất trong năm 2017 như sau: Ripple (tăng 36,018%), NEM (29,842%), ardor (16,809%), stellar (14,441%), dash (9,265%), ethereum (9,162%), golem (8,434%), binance coin (8,061%), litecoin (5,046%), omiseGO (3,315%). Đồng tiền kỹ thuật số “nổi đình đám” trong thời gian qua là bitcoin chỉ đứng hạng 14 trong bảng xếp hạng năm 2017 với mức tăng trưởng 1,318%.
Triển vọng phát triển
Theo Euromonitor International, khu vực Đông Nam Á có sẵn cơ sở cho các hệ thống thanh toán di động, với 50% dân số tại sáu quốc gia lớn nhất khu vực sử dụng điện thoại thông minh.
Con số này dự kiến sẽ đạt 70% vào năm 2021 và tiến gần mức bão hòa 80% ở Mỹ và Nhật Bản. Euromonitor cũng dự đoán rằng giá trị thanh toán di động ở Đông Nam Á sẽ đạt 32 tỷ USD vào năm 2021, tăng mạnh so với năm 2013.
Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày.
Hãng nghiên cứu FT Confidential Research (FTCR) cho rằng sự phát triển rộng rãi của hình thức thanh toán qua điện thoại di động đang thách thức vị thế của thẻ tín dụng tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Các chuyên gia nhận định tính tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, cùng với sự phổ dụng ngày càng tăng của điện thoại thông minh…, đã giúp thanh toán qua những ứng dụng trên các thiết bị di động trở nên phổ biến và dần thay thế các phương thức thanh toán truyền thống.
Theo Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc công nghệ công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, Sri Shivananda, các công ty thanh toán cần chú trọng đảm bảo ba yếu tố là tính bảo mật, riêng tư và độ tin cậy để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tại Thái Lan, thanh toán bằng tiền mặt là thói quen lâu đời song chính phủ nước này gần đây đã có biện pháp thúc đẩy phát triển xã hội không tiền mặt ở nước này. Theo dự đoán, thanh toán qua các ứng dụng trên các thiết bị di động tại Thái Lan sẽ tăng từ 68,2 tỷ baht năm 2015 lên 143 tỷ baht năm 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền lưu hành của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng 7,7% ở Mỹ và khoảng 10% ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2016. Hầu hết các nước đã và đang triển khai công cuộc cải cách hệ thống thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân.
Ví dụ, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế Thụy Điển, cho thấy người dân ở nước này rất ít giao dịch bằng tiền mặt mà chuyển sang sử dụng các hình thức thanh toán mới với các ưu điểm thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Anh Quân (Tổng hợp)