Sự kiện do UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành và đơn vị liên quan tổ chức. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thành phố đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt sau sự kiện sáp nhập hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tái định hình vai trò và tận dụng tối đa tiềm năng công nghiệp để kiến tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà và lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì tọa đàm. Ảnh Minh Khuê |
Công nghiệp: Trụ cột tăng trưởng của thành phố
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghiệp trong suốt tiến trình phát triển kinh tế thành phố. Với dân số gần 14 triệu người, tổng GRDP năm 2024 đạt trên 104 tỷ USD, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế, thương mại và công nghiệp lớn nhất cả nước. Khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp khoảng 30% GRDP, là nền tảng để thành phố hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, thành phố cũng đang đối mặt nhiều thách thức: Chi phí logistics cao (chiếm tới 16–20% giá thành sản phẩm), quỹ đất sạch hạn chế, chi phí tiếp cận mặt bằng lớn, trình độ công nghệ sản xuất còn lạc hậu, mức độ tự động hóa thấp và năng suất lao động chỉ đạt khoảng 60% so với các đô thị công nghiệp phát triển. Đáng chú ý, các rào cản thương mại mới từ thị trường Hoa Kỳ – nơi áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực – cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đó, tọa đàm lần này được tổ chức nhằm đi tìm lời giải cho một câu hỏi lớn: Làm gì để công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thực sự trở thành trụ cột phát triển bền vững, phù hợp với các yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đô thị hóa hiện đại?
Trên tinh thần cầu thị, đổi mới, Giám đốc Sở Công Thương đề xuất thảo luận xoay quanh 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp – logistics – năng lượng; đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đẩy mạnh tự động hóa; thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ; chiến lược phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao; thúc đẩy công nghiệp xanh, kiểm soát ô nhiễm và kinh tế tuần hoàn.
Chuyển mô hình từ "cộng gộp địa lý" sang "tích hợp chuỗi giá trị"
Nội dung được thảo luận sâu tại tọa đàm là việc tái cấu trúc không gian công nghiệp trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính. Các đại biểu thống nhất rằng, TP. Hồ Chí Minh cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ việc đơn thuần mở rộng địa lý sang mô hình “tích hợp chuỗi giá trị”, với sự phân vai rõ ràng giữa các khu vực để hình thành các cực sản xuất thông minh, xanh và sáng tạo.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần giữ vai trò “bộ não vùng” – tập trung R&D, tài chính, điều phối sản xuất và kiểm định chất lượng. Trong khi đó, các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và Bình Phước sẽ đóng vai trò trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng nguyên liệu và logistics.
“Chất keo” gắn kết giữa các vùng sẽ quyết định sức bật công nghiệp của thành phố trên bản đồ Đông Nam Á – TS. Tuấn khẳng định, và để làm được điều đó, TP. Hồ Chí Minh cần khẩn trương hoàn thiện thể chế tích hợp, tận dụng hiệu quả các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ), Nghị quyết 66 (về thể chế) và Nghị quyết 68 (về kinh tế tư nhân).
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ chế, hạ tầng và nhân lực
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải – Kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC – cho rằng, việc sáp nhập Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh sẽ mở ra cơ hội hiện thực hóa chiến lược công nghiệp hiện đại, đặc biệt là mô hình phát triển theo hướng TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), công nghiệp xanh và tiết kiệm năng lượng.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh – kiến nghị, thành phố sớm xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2040, xác định rõ vai trò của công nghiệp thực phẩm. Bà đề xuất quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại và thân thiện với môi trường; xây dựng trung tâm logistics lạnh tại các đầu mối lớn; phát triển các trung tâm R&D và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành thực phẩm – ngành vốn có thế mạnh xuất khẩu và giá trị gia tăng lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà khẳng định: Thành phố cần chuyển mạnh mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp xanh và nâng cấp chuỗi giá trị. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết công – tư, nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp để phát triển toàn diện.
Phó Chủ tịch giao Sở Công Thương sớm tổng hợp các ý kiến tại tọa đàm để trình UBND thành phố lộ trình cụ thể. Các sở, ngành cần nhanh chóng hành động từ quy hoạch, cải cách thủ tục, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đến đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật. Cộng đồng doanh nghiệp cần tiên phong đổi mới sáng tạo, đầu tư xanh và nâng cao năng suất, góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành vùng công nghiệp hiện đại, bền vững và tích hợp.