Hiện tại làn sóng này vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại, những mặt bằng được trả lại của rất nhiều thương hiệu lớn ở những con đường đắc địa vị trí quận 1, 3, Phú Nhuận... sau thời gian dịch cho đến nay dù đã cố gắng cầm cự nhưng không thể kéo dài với tình trạng thua lỗ không có hồi kết. Hậu quả là hàng loạt các phố một thời tấp nập khách đều phải trả mặt bằng. Có thể kể đến khu vực Nhà thờ Đức Bà, các khu vực đường Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Hồ Văn Huê…
Ngay cả phố Bùi Viện vốn là nơi tụ điểm về đêm dành cho khách du lịch, các tay chơi về đêm, chưa lúc nào vắng khách nay cũng ế ẩm chờ thời vào cả những đêm thứ Bảy, Chủ nhật, đến nỗi nhân viên phải ra tận đường chèo kéo khách, đây là một điều ít thấy ở khu phố này. Không tránh khỏi, phố cưới nổi tiếng Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) chỉ một đoạn đường ngắn nhiều mặt bằng dán bảng cho thuê, các bảng giảm giá từ 30% - 50% được bày cả ra mặt đường mà vẫn không có khách…
Một hình ảnh đáng buồn cho Sài Gòn được mệnh danh là “Sài gòn hoa lệ” một thời giờ thì kinh doanh buôn bán ế ẩm. Nói chuyện với chúng tôi, chị Nga kinh doanh một tiệm áo cưới trên đoạn đường này cho biết: “Trước, con đường này được gọi là con đường hạnh phúc, giá thuê mặt bằng ở đây rất cao nhưng vẫn không còn chỗ, nay thì khác dù đã hạ giá cho thuê các dịch vụ cho thuê áo cưới, xe đưa rước, make-up miễn phí, chụp hình… nhưng lượng khách và công việc kinh doanh hiện nay vẫn không thể đủ cho tiền mặt bằng. Đơn cử, tất cả các giá dịch vụ thuê áo cưới trước đây của chúng tôi từ 15 triệu đồng cho 2 bộ áo cưới lễ nay chỉ còn 7 triệu, bao gồm miễn thêm một số các dịch vụ đi kèm nhưng vẫn không có khách…”
Sức mua giảm, nhiều cửa hàng tung ra các chương trình khuyến mãi nhưng với việc cắt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng thì có vẻ như các phương án đưa ra của các thương hiệu vẫn không phải là phương án tối ưu?
Một số hình ảnh trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh):
Uyển Nhi