Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đang thực hiện xây dựng đề án “Định hướng phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, khung định hướng phát triển các ngành công nghiệp quan trọng của Thành phố liên quan đến di dời cơ sở công nghiệp như sau: Phát triển công nghiệp phải phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp xanh, gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt có giải pháp chuyển đổi công nghệ, xử lý môi trường hoặc di dời vào các khu công nghiệp tập trung đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, xen cài trong các khu dân cư.
Khu Chế xuất Tân Thuận (Ảnh: Internet). |
Từng bước chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các ngành sử dụng nhiều lao động, đất đai như dệt may, giày da, ra các khu công nghiệp trong Vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Không gia hạn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Sắp xếp, chuyển đổi mô hình sản xuất các nhà máy sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp theo hướng di dời vào các khu, cụm công nghiệp hoặc tiếp tục duy trì sản xuất nhưng phải chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến sản xuất xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo thân thiện môi trường.
Liên quan đến tiến độ di dời cơ sở công nghiệp xen cài trong khu dân cư, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thông tin thì theo quy định tại điểm m khoản 3 Điều 4, điểm b khoản 4 Điều 13 và điểm d khoản 6 Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt” gồm: có hành vi vi phạm hành chính “không có giấy phép môi trường theo quy định” hoặc “không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định” và “địa điểm đang thực hiện dự án đầu tư, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được phê duyệt theo quy định”.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia giám sát và thông tin các trường hợp phát hiện dấu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet). |
Như vậy, việc di dời các cơ sở đến địa điểm khác phải căn cứ theo quy hoạch tỉnh và theo lộ trình phù hợp. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 611/QĐTTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 về phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Trên cơ sở đó, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố. Căn cứ quy hoạch này, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tiêu chí “không phù hợp quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải” để có hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị liên quan tổ chức thường xuyên các cuộc kiểm tra, giám sát các hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hiện nay, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, theo dõi chất lượng nước thải sau các trạm xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, đối với các cơ sở có nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, theo dõi.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì thường xuyên công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phố biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp và người dân; tuyên truyền, vận động người dân tham gia giám sát và thông tin các trường hợp phát hiện dấu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.