Trong một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Châu Âu về Truyền thông Quang học (EOCC) vào tháng 3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Aston, Anh đã lập kỷ lục thế giới mới về Internet khi đạt tốc độ nhanh gấp 4,5 triệu lần so với mức băng thông rộng trung bình.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đạt được tốc độ 301 Tb/s (tương đương với việc tải xuống 9000 bộ phim HD trong 1 giây) chỉ bằng 1 sợi cáp quang. Với tốc độ này, sẽ chỉ mất một phút để tải xuống tất cả phim được liệt kê trên Cơ sở dữ liệu phim trên Internet (IMDb). Đây là tốc độ Internet nhanh nhất từng được ghi nhận.
Để so sánh, "Báo cáo hiệu suất băng thông rộng tại Anh" công bố tháng 9/2023 cho biết tốc độ Internet trung bình cho hộ gia đình hiện tại là 69,4 Mb/s.
Kết quả này nhờ vào sự hợp tác giữa Viện Công nghệ Quang tử Aston, trường Khoa học Máy tính và Công nghệ Kỹ thuật số Aston, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia (NICT) ở Nhật Bản và phòng thí nghiệm Nokia Bell Labs tại Mỹ.
Nhóm nhà khoa học sử dụng sợi quang (những sợi thủy tinh hình ống nhỏ) có khả năng truyền thông tin bằng ánh sáng và đạt tốc độ mà cáp đồng không thể đáp ứng được.
Tiến sĩ Ian Phillips, người chịu trách nhiệm phát triển thiết bị tại đại học Aston cho hay, về cơ bản, dữ liệu được gửi qua sợi quang như kết nối hiện có ở văn phòng hay hộ gia đình. “Nói rộng ra, dữ liệu được gửi qua cáp quang giống như kết nối Internet ở nhà hoặc văn phòng”, tiến sĩ Ian Phillips nói.
Với nhu cầu của người tiêu dùng về tốc độ Internet không ngừng tăng lên, các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ mới của họ có thể được sử dụng để giúp các nhà cung cấp dịch vụ Internet đáp ứng được nhu cầu đó.
Giáo sư Wladek Forysiak (AIPT) bổ sung: "Bằng cách tăng công suất truyền tải trong mạng đường trục, thử nghiệm của chúng tôi có thể cải thiện đáng kể kết nối cho người dùng cuối".
Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của việc tăng tốc độ Internet mà không cần triển khai cáp mới, giúp hoạt động nâng cấp tốc độ Internet thương mại dễ dàng và thân thiện môi trường hơn. Trong bối cảnh tiêu thụ thông tin ngày càng tăng, thành tựu mới của nhóm các nhà khoa học được kỳ vọng phát triển thêm công nghệ mới giúp tốc độ Internet trong tương lai bắt kịp với nhu cầu của người dùng.
Phương Linh (t/h)