Tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh kế hoạch phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP

11:34 27/06/2022

Để triển khai tốt mô hình trong tiêu thụ và quảng bá nông sản, tỉnh Phú Thọ đã phát triển và nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

 

Những sản phẩm OCOP của Phú Thọ đang bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã được người dân tin tưởng, sử dụng.
Những sản phẩm OCOP của Phú Thọ đang bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã được người dân tin tưởng, sử dụng..

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể… các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình HTX, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản... Chị Hà Minh Huệ ở huyện Phù Ninh chia sẻ: Tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm OCOP của Phú Thọ bởi đây là những sản phẩm được chứng nhận đảm bảo an toàn, có chất lượng và giá cả hợp lý.

Có thể thấy, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mang đến làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song với đó, tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, trong đó, tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP. Chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để nâng tầm giá trị chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời, giao các huyện, thành, thị xã rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Tiếp tục rà soát đánh giá các địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm OCOP nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng nhằm định hướng, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu điểm tham quan du lịch đạt tiêu chuẩn công nhận, giúp quảng bá, định hình thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

PV