Tiếp tục xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên

00:00 12/10/2020

Để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm và mang đặc sắc riêng vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hiện, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk còn rất nhiều việc cần làm….

Ngã sáu - Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay

Trong 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung và một số quy hoạch ngành, đồng thời nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nên từ một đô thị loại II, thành phố Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển tích cực và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010.

Theo đó, quy mô kinh tế của thành phố đã được mở rộng. Kinh tế tăng trưởng khá cao và ổn định, bình quân giai đoạn 2010 - 2018 đạt 9,38%. Thu ngân sách giai đoạn 2010 - 2018 đạt 10.094 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu của tỉnh.

Năm 2019, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 21 chỉ tiêu cơ bản, với 42 chỉ tiêu thành phần của Nghị quyết HĐND thành phố đề ra, thành phố đã thực hiện được 34 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt kế hoạch.

Cơ cấu kinh tế của thành phố đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực, mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng. Ngành nông - lâm nghiệp đã sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn, gắn với công nghiệp chế biến sâu và thị trường. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Các chương trình - dự án mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện tốt. Khoa học công nghệ phát triển đạt kết quả khá. Tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 40 - 60%. Cải cách hành chính có nhiều đột phá. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định.

 

Ông Trương Công Thái – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND tp Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế thực sự để trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho toàn vùng cũng như trở thành "một cực phát triển" trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ.

Những kì vọng trong tương lai

Trong tương lai, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ được xây dựng và phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.

Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mọi nguồn lực đầu tư phải được huy động tối đa để xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị cho thành phố Buôn Ma Thuột. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân nhân dân, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng để thành phố thực sự là đô thị trung tâm vùng và là cực tăng trưởng của vùng…

Bảo tàng cà phê của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên - điểm nhấn đầy ấn tượng được xây dựng giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột

Đặc biệt, từ nay đến đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Buôn Ma Thuột phải được xây dựng và phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắk Lắk và của Tây Nguyên. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và nông nghiệp đô thị, sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao phải được quan tâm phát triển bền vững, gắn với phát triển du lịch. Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ được xây dựng thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ hậu cần; thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê...

Tăng tốc để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội

Theo ông Trương Công Thái, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột: Hiện nay, Đắk Lắk đang ưu tiên đầu tư cho thành phố phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không vào khu vực trung tâm đô thị. Các công trình, dự án động lực, trọng tâm như: xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (Khánh Hòa); cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng); Dự án đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa; tuyến tránh thành phố đường vành đai phía Đông; đường vành đai phía Tây 2; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29; các cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế; xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê; công trình hồ thủy lợi Ea Kao, phát triển du lịch Hồ Ea Kao v.v… đã và sẽ được đầu tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư để triển khai thực hiện. Cùng với đó, môi trường đầu tư và kinh doanh vào thành phố Buôn Ma Thuột cũng sẽ tiếp tục được tạo thuận lợi hơn để thu hút đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và ngoài nước.

Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.   

Hiện nay, một trong những vấn đề cần quan tâm tạo động lực và cơ sở cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển đó là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam Phu Chia thông qua các hình thức liên kết phát triển ngành, nhất là du lịch.

Cần phải xây dựng đề án tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong bối cảnh mới. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp và phát triển Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, cao đẳng khác đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; chú trọng tham gia hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Về văn hóa, xã hội sẽ coi trọng phát triển theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong điều kiện phát triển đô thị hiện đại; có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Giai đoạn 2020 - 2030, thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục hoàn tất các thủ tục thành lập Cụm công nghiệp Hòa Xuân, thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tỷ lệ lấp đầy các khu cụm công nghiệp đạt trên 90%, giá trị sản xuất đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt ưu tiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng gồm: Chế biến cà phê, tiêu, ca cao, bơ, dược liệu, sản phẩm chăn nuôi v.v… sử dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng lao động tại chỗ của thành phố như phát triển công nghiệp dệt may, da giày; ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất hiện đại, bán tự động và tiến tự tự động hóa.

Cùng với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thành phố tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường, thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật - công nghệ vào phát triển sản xuất và đời sống nhằm tăng nhanh năng suất, hiệu quả lao động, nhất là các ngành sản xuất các sản phẩm có yêu cầu cạnh tranh về chất lượng như chế biến thực phẩm, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, các sản phẩm địa phương…

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút nhân tài, đồng thời chú trọng công tác quy hoạch và quản lý đô thị; từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; triển khai chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch, cải tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa … tạo không gian kiến trúc cảnh quan mang tính đặc thù của Buôn Ma Thuột.

Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, triển khai hiệu quả mô hình chính quyền điện tử; xây dựng thành phố thông minh. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên phát triển, cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội riêng, từ đó mới có thể tạo được đột phá đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế v.v...

Nhóm PV Tây Nguyên