Tiếp sức cho doanh nghiệp bứt tốc hậu COVID-19

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, đây là "thời điểm vàng" để doanh nghiệp lấy lại đà, bắt sóng nhanh nhất với tín hiệu từ thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang bị "trói chân" bởi thủ tục hành chính, nên việc tận dụng cơ hội này để bứt phá trở nên khó khăn hơn...

Việc Chính phủ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như một luồng gió mới tiếp thêm sức cho doanh nghiệp. Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo về Nghị quyết số 68/NQ-CP  ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh chiều 30/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Vẫn còn thủ tục 'hành là chính'

Thủy sản là một trong số ít những ngành đang tận dụng rất tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để chắt chiu từng cơ hội trong thời buổi khó khăn hiện nay.

nganh-det-may-dien-dan-1844-1601456944.j

Cắt giảm điều kiện kinh doanh là hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. 

Song đại diện VASEP cũng chia sẻ những quy định tại các văn bản pháp luật vẫn đang còn làm khó doanh nghiệp như bất cập thuế thu nhập doanh nghiệp (áp thuỷ sản là mặt hàng sơ chế nên không được ưu đãi thuế) hay quy định mã số mã vạch, nước thải....

Ông Nam nhấn mạnh: "Những hỗ trợ của Chính phủ dù là một chút cũng rất quý giá, tiếp thêm một niềm tin, một sức khỏe bền bỉ cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt ở thị trường thế giới".

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay đang còn nhiều điều kiện kinh doanh cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đâu đó vẫn còn những quy định "nép mình" ở phụ lục tại thông tư, nghị định. Một câu chữ mập mờ có thể làm đình đốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Lộc dẫn chứng như một số nội dung của Thông tư 15 của Bộ KH&CN đã làm khó hàng chục doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ. Dẫn tới, doanh nghiệp sản xuất đình đốn, "kêu cứu" tới Chính phủ. Đến khi Chính phủ chỉ đạo thì mọi chuyện mới được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI đặt ra nghi ngại phải chăng cải cách thủ tục hành chính đang có dấu hiệu giảm nhiệt, phải chăng do đang vướng mắc vì COVID-19? Tuy nhiên, trong điều kiện COVID-19 thì càng cần phải đẩy mạnh cải cách hơn. So với các nước ASEAN, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của Việt Nam còn khá nặng nề. Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy nhanh chứ không thể giảm nhiệt như vậy.

"Ở đâu lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp thì sẽ thành công, ở đâu không lắng nghe thì không thành công", ông Lộc nhận định.

Từ kinh nghiệm cải cách của các nước thuộc khối OECD và thực tiễn cải cách của nước ta thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.

Cần tạo 'ràng buộc' giữa khối FDI và DN trong nước

Trở lại câu chuyện cắt giảm TTHC, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chương trình cải cách này sẽ không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (bao gồm: quy định thủ tục hành chính, về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh, về chế độ báo cáo, về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).

Bên cạnh đó, không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách, nhìn nhận vào những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, đánh giá dịch COVID-19 xảy đến đang "cuốn trôi" nhiều thành quả, cố gắng mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Nguyên nhân một phần là do tính liên kết của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tại thị trường Việt Nam chưa cao, rời rạc nên "sóng đánh" vào doanh nghiệp nào thì "thuyền tự chìm".

"Việc không có sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với nhau, và giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI sẽ khiến doanh nghiệp Việt càng yếu hơn. Vì vậy, Nhà nước cần tạo ra những ràng buộc để các doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước", bà Thanh kiến nghị.

Cùng với đó, theo bà Thanh, dịch COVID-19 được ví như một "phép thử" để doanh nghiệp biết rằng phải đầu tư nâng cao năng lực, công nghệ để thích ứng với những cú sốc.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ để tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA… Tập đoàn sẽ chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hạ tầng khu công nghiệp dệt may, hình thành hệ sinh thái sản xuất kinh doanh dệt may.

Đại diện Vinatex cũng khẳng định sẽ hình thành và đầu tư nguồn lực một cách thích đáng cho các trung tâm thiết kế sản phẩm, các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và được quốc tế công nhận, các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ mới… để làm cơ sở cho việc chuyển dịch sâu rộng hơn nữa mô hình sản xuất kinh doanh từ gia công đơn thuần sang làm hàng giá trị gia tăng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cực kỳ lớn để nâng cao vị thế. Điều này không sai nhưng cơ hội đến trong hoàn cảnh khó khăn, tình thế khó lường, ngay cả trong điều kiện bình thường, Việt Nam cũng khó tận dụng được cơ hội. Hơn nữa, liệu trong cơ có tiềm ẩn nguy cơ nào không, Việt Nam cần làm thế nào để giải quyết được vấn đề này. Đây là bài toán cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Với mức tăng GDP 2,62% của quý III/2020 đã đưa GDP 9 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 2,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong thời gian tới, GDP cả năm có thể đạt mức 2 - 3%. Để đạt được mức tăng trưởng trên, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương cần có những giải pháp phù hợp huy động và khơi thông các nguồn lực trong xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trải qua hai làn sóng COVID-19, doanh nghiệp đang rất kiệt quệ. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả cải cách cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, lắng nghe từng tiếng nói của doanh nghiệp, làm sao để những chỉ đạo của Chính phủ đi vào cuộc sống, nhất là trong giai đoạn khó khăn bởi COIVD-19.

Lê Thúy