Báo cáo tài chính bán niên 2019 của VNG cho biết, khoản đầu tư của VNG vào công ty liên kết là Tiki đã hết do khoản lỗ từ công ty thương mại điện tử này.
Cụ thể, hiện VNG ngoài 14 công ty con trực tiếp và gián tiếp còn đầu tư dài hạn vào 3 công ty liên kết bao gồm ABA, Thanh Sơn và Tiki.
Công ty cổ phần VNG vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu 2.524 tỉ đồng, tăng hơn 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệpđạt 315,2 tỉ đồng, tăng gần 31% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Đáng chú ý, khoản đầu tư của VNG vào sàn thương mại điện tử Tiki hơn 506,2 tỉ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ đến hết tháng 6/2019. Kể từ đầu năm nay, VNG đã không tham gia vào đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của Tiki từ 163 tỉ đồng lên 188 tỉ đồng. Vì vậy tỷ lệ sở hữu của công ty VNG tại Tiki giảm từ 28,88% vào đầu năm nay xuống còn 24,6%. Thay vào đó cổ đông ngoại JD.com tăng sở hữu lên 25,651% vốn điều lệ.
Với việc lỗ hết vốn đầu tư, VNG sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi việc thua lỗ của Tiki phản ánh vào kết quả kinh doanh. Vì vậy trong 6 tháng đầu năm 2019, phần lỗ từ các công ty liên kết của VNG gồm Tiki, Thanh Sơn và ABA chỉ khoảng 28 tỉ đồng, giảm 72% so với số lỗ 99 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong ba công ty kể trên, duy chỉ có Thanh Sơn là lãi đều và làm tăng giá trị khoản đầu tư của VNG trên sổ sách. Khoản đầu tư của VNG gần 15 tỉ đồng vào ABA (Hồng Kông) cũng đã lỗ hết vốn từ cuối năm 2018.
Không chỉ vậy, sau khi tiêu hết tiền VNG đầu tư, Tiki vừa hoàn tất 1 khoản vay nợ mạo hiểm để “đốt” tiếp. Tiki hiện đang có hai nhà đầu tư là VNG và "ông lớn" thương mại điện tử nước ngoài JD.com. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất từ VNG, giá trị khoản đầu tư của VNG tại Tiki đã chính thức về 0 tại thời điểm 30/6/2019.
Sự “liều lĩnh” này của Tiki đã mang lại cho doanh nghiệp những thành công nhất định bởi ở thời điểm hiện tại, Tiki là sàn TMĐT có lượng truy cập đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau Shopee, vượt qua cả Lazada, Sendo.
Nhưng, đáng nói trước sự lớn mạnh của Tiki, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ dành riêng cho các “ông lớn”.