Những thương hiệu Việt thành công không chỉ giúp lan tỏa và duy trì sức sống của các sản phẩm Việt trên thị trường nội địa, giảm bớt sự xâm lấn của các thương hiệu nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa hội nhập sâu rộng, mà còn đưa tên tuổi Việt Nam ra thế giới, đem ngoại tệ về cho đất nước và là bệ phóng để khơi thông các tiềm lực mới, tạo ra sức bật tăng trưởng bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân, chuẩn bị nội lực cho DN như thế nào để trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh là rất khó. Có khoảng 10% - 20% DN tự xây dựng nội lực, thương hiệu để vươn xa; khoảng 80% còn lại không trụ được trên thị trường và phải biến mất hoặc tìm người mua lại công ty. Người mua lại DN trong nước, dù là nội địa hay quốc tế, cũng sẽ cho DN nền tảng để bước tiếp, còn nếu phải rời thị trường thì không còn ý nghĩa.
Khi thương hiệu vươn ra tầm thế giới, Việt Nam cũng thêm những bước thành công
Theo bà Nguyễn Phi Vân, ở tầm quốc gia, cần có chiến lược để các đại gia lớn trong ngành mua lại hoặc có các quỹ đầu tư của nhà nước mua lại thương hiệu Việt tốt. Những thương vụ mua bán, sáp nhập sẽ tiếp tục bùng nổ theo xu hướng DN không cạnh tranh được sẽ phải bán lại. Hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại DN Việt để từ đó xây dựng công ty lớn mạnh hơn trong tương lai.
Nỗ lực đi lên
Năm 2018, giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League) mùa giải 2018/2019 chính thức bắt đầu, trong trận đấu khai mạc khai mạc giữa Á quân Manchester United và Leicester, người hâm mộ Việt Nam đã dễ dàng nhận thấy hình ảnh thương hiệu Bia Sài Gòn và logo hình con rồng quen thuộc trên tay áo trái các cầu thủ của “bầy cáo” Leicester.
Tại mùa giải năm nay, được biết không chỉ áo đấu, logo Bia Saigon cũng sẽ xuất trên sân vận động King Power - sân nhà của Leicesters, phông nền phỏng vấn cầu thủ, các bảng quảng cáo điện tử, cũng như tại các hoạt động giao lưu của đội bóng với cổ động viên.
Đây được xem là một trong những bước đi mới nhất của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đơn vị chủ quản của Bia Sài Gòn, trong nỗ lực đưa thương hiệu này ra thị trường quốc tế.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược trong thời gian 5 năm (2018 - 2023) như là bước đi hợp tác sâu hơn để phát triển thương hiệu.
Theo đó, Vinamilk sẽ cung cấp các sản phẩm với bao bì thiết kế riêng mang hình ảnh đồng thương hiệu trên các chuyến bay của Vietnam Airlines xuất phát từ Việt Nam.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Trên con đường liên tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường quốc tế, chúng tôi vui mừng khi có thể cùng các doanh nghiệp trong nước cam kết phát triển cho các mục tiêu xa hơn, vươn ra tầm thế giới.”
Sabeco, Vietnam Airlines, Vinamilk…, là những doanh nghiệp đầu ngành trong những lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thương hiệu tạo được vị thế trong lòng người tiêu dùng.
Sau khi chiếm lĩnh thành công thị trường nội địa, các doanh nghiệp này đã thể hiện nỗ lực mạnh mẽ đưa sản phẩm, dịch vụ vươn khỏi biên giới quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Nếu thương hiệu tốt thì DN nhà nước hay tư nhân cũng đều bán được giá. Khi thương hiệu đã tốt, đã in sâu vào tâm thức người tiêu dùng thì nhà đầu tư không "dại" gì bỏ thương hiệu đó để lập một tên khác không ai biết tới". Do đó, theo ông Ánh, không cần thiết phải "tiếc nuối" hay "giữ gìn" thương hiệu Việt mà quan trọng là xây dựng, bồi đắp được nhiều thương hiệu mạnh. Khi đó, chính thị trường sẽ giúp thương hiệu tồn tại.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, khi thương hiệu là một tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn lao, bài toán xây dựng thương hiệu chủ động đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ góp phần hoàn thành những “giấc mơ lớn”, đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
Trang Nguyễn