Thương hiệu ngân hàng giá bao nhiêu

00:00 12/10/2020

Tuần qua, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu năm 2019 với tổng giá trị đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với danh sách công bố năm 2018. Trong đó 20 thương hiệu DN Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD.

Ảnh minh họa

Xét theo ngành, lĩnh vực ngân hàng giá trị thương hiệu của Vietcombank là 246,5 triệu USD (tăng 68,6 triệu USD so với năm 2018) nằm trong top 10 thương hiệu dẫn đầu. Đây là năm thứ ba liên tiếp Vietcombank giữ vị trí này. Tiếp sau là BIDV được “định giá” 148 triệu USD; thương hiệu Techcombank ở mức 141,1 triệu USD; VietinBank đạt 139,9 triệu USD; và thương hiệu VPBank là 138,3 triệu USD.

Các thương hiệu mạnh của Việt Nam nói chung và của các ngân hàng nói riêng được Forbes Việt Nam định giá theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của DN. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu…

Đây đã là năm thứ 4 Forbes Việt Nam khảo sát, đánh giá và với sự hỗ trợ của cơ quan mẹ - Tạp chí Forbes Mỹ đã tồn tại trên 100 năm (theo wikipedia, Forbes được thành lập năm 1917 bởi B.C. Forbes) danh tiếng khắp toàn cầu, nhưng họ vẫn phải thừa nhận thực tế: Do phương pháp tính toán đòi hỏi dựa trên các số liệu tài chính, nên Forbes Việt Nam không có đủ cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của một số DN lớn là công ty nhà nước không công bố số liệu tài chính hoặc các công ty tư nhân lớn không hợp tác cung cấp số liệu…

Với những DN được xếp hạng, có thể thấy cách tính giá trị thương hiệu của Forbes Việt Nam bao gồm cả định lượng (các số liệu tài chính) và cả định lượng (độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng). Rất khó để nói yếu tố định tính hay định lượng quan trọng hơn trong cách tính của Forbes Việt Nam, nhưng xếp hạng của Forbes đã phần nào cho thấy uy tín thương hiệu của các ngân hàng Việt và uy tín, thương hiệu đó của ngân hàng phần nhiều được bồi đắp bởi sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Hơn mười năm trước, nếu bạn đến những vùng 30a (61 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo trên 50% được áp dụng Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) và hỏi người dân về vay tiền ngân hàng thì họ sẽ mặc định bạn đang hỏi về Agribank hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội. Cho dù trên địa bàn đã có mặt các điểm giao dịch của một số NHTM khác, nhưng từ rất lâu độ phủ sóng đến khắp bản làng vùng sâu, vùng xa đã khiến Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội “định vị” trong đời sống của người dân bản địa. Nhiều năm trước đây, nếu cần đến các dịch vụ tài chính - ngân hàng có yếu tố nước ngoài, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến Vietcombank. Hay ngày nay, TPBank lại nổi lên là ngân hàng đi đầu về ngân hàng số…

Với sự vận động của đời sống xã hội, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mỗi ngân hàng tìm cho mình hướng phát triển riêng. Song dù có đầu tư nhiều vào mảng nào thì ngân hàng cần nhất việc giữ uy tín, niềm tin với người tiêu dùng. Rất nhiều người không biết đến bảng xếp hạng thương hiệu của Forbes Việt Nam, cũng chẳng quan tâm vai trò của Moodys. Họ chọn đến ngân hàng nào nhiều khi chỉ là do người quen giới thiệu, thấy thuận tiện.

Và dù NHNN - đơn vị chủ quản của ngành Ngân hàng không được (và không thể) định giá thương hiệu nhưng nhiều năm qua, với sự kiên định trong thực hiện các mục tiêu, nói được làm được, NHNN đã duy trì, củng cố niềm tin của người dân vào ngành Ngân hàng, từ đó hỗ trợ các TCTD thực hiện thành công kế hoạch kinh doanh, đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế.

Hà An