![]() |
Thực phẩm tốt cho người mắc bệnh gout. |
Gout là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa thường gặp, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Bệnh xảy ra khi thận không thể lọc axit uric trong máu để thải ra bên ngoài. Axit uric tích tụ đến nồng độ cao sẽ lắng đọng tạo thành các tinh thể muối urat natri hoặc tinh thể axit uric, nếu tập trung ở các khớp sẽ khiến khớp bị viêm, sưng đau.
![]() |
6 loại thực phẩm tốt nhất giúp kiểm soát bệnh gout. |
Thực phẩm giàu vitamin C
Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, nho, ổi và kiwi… tốt cho người bệnh Gout. Vì vitamin C là một chất dinh dưỡng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng lượng vitamin C cao trong chế độ ăn uống có liên quan đến việc giảm nồng độ acid uric.
Người bệnh gout nên chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn, ít thực phẩm động vật có hàm lượng purin cao như thịt đỏ có vẻ hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh gout và giảm acid uric. Chế độ ăn nhiều thực vật thường có nhiều hợp chất thực vật chống viêm và vitamin C, cả hai đều có thể có lợi cho những người bị bệnh gout.
Bên cạnh đó, trái cây giàu kali như chuối, cam, mơ, bưởi, bơ, dưa hấu và lựu cũng rất tốt cho sức khỏe của người bệnh Gout. Kali đóng vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp cân bằng nước và điện giải, giảm huyết áp và sức khỏe của xương. Kali giúp hỗ trợ tăng đào thải axit uric qua đường tiết niệu do đó làm giảm acid uric và các triệu chứng của bệnh Gout.
Thịt trắng
Nhiều người cho rằng thịt chứa purin không tốt cho người bệnh Gout nên loại bỏ loại thực phẩm này ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc kiêng thịt có thể khiến cho cơ thể thiếu đạm. Trong khi đó, có nhiều loại thịt không chứa nhiều nhân purin như thịt nạc, ức gà, cá sông, cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá rô… Các loại đạm này rất tốt cho người bệnh Gout, có tác dụng chống lại sự kết tủa của axit uric.
Người bệnh gút nên bổ sung hàm lượng thịt trắng khoảng 110 - 170 gram/ngày. Ưu tiên chế biến thịt dưới dạng hấp, luộc thay vì đồ chiên, rán. Không nên dùng phần nước luộc thịt, nước luộc cá, nước hầm xương. Người bệnh nên ăn thịt cùng các loại rau xanh để trung hòa bớt lượng purin có trong thịt.
Trứng
Mặc dù chứa hàm lượng protein dồi dào nhưng protein trong trứng không gây ra nhiều ảnh hưởng tới nồng độ acid uric trong máu. Hàm lượng chất béo Omega-3 trong trứng còn có khả năng ức chế các phản ứng viêm và làm giảm tình trạng sưng đau tại khớp bị ảnh hưởng bởi bệnh Gout.
Trong tất cả các loại trứng, trứng gà được khuyến khích thêm vào khẩu phần ăn của người bị bệnh Gout. Bởi trứng gà có chứa hàm lượng nhân purin thấp hơn các loại trứng khác nhưng hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe lại cao.
Đối với những người bị Gout, việc chế biến trứng thường bị hạn chế hơn do một số món ăn từ trứng có thể không tốt cho quá trình kiểm soát bệnh. Người bệnh Gout nên ăn trứng luộc, trứng hấp đậu phụ, trứng hấp nấm rơm…
Cà phê
Cà phê có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Thức uống này chứa nhiều hợp chất gồm khoáng chất, polyphenol và cafein. Cà phê có thể làm giảm nồng độ axit uric thông qua một số cơ chế hoặc làm giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ cơ thể bài tiết axit uric. Cà phê còn cạnh tranh với enzym phân hủy purin trong cơ thể, khiến làm giảm tốc độ tạo ra axit uric.
Việc sử dụng một lượng cà phê đen vừa đủ trong ngày rất tốt cho người bệnh Gout. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thêm để hiểu cà phê ảnh hưởng đến nồng độ acid uric như thế nào.
Rau xanh các loại
Súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành acid uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh.
Người mắc bệnh gout nên hạn chế một số loại rau như nấm, giá đỗ, măng tây.
Các sản phẩm từ sữa
Nghiên cứu cho thấy, sữa là thực phẩm giúp hỗ trợ giảm hàm lượng acid uric trong máu, do vậy có thể làm giảm độ nghiêm trọng của bệnh gout.
Sữa là nhóm thực phẩm chứa rất ít purin nên không ảnh hưởng tới bệnh nhân Gout. Trong sữa còn có một số protein có khả năng ức chế, kháng viêm với những cơn đau do Gout và giúp quá trình đào thải axit uric qua thận nhanh hơn bình thường.
Người bệnh hãy lựa chọn sữa động vật, nhất là sữa bò và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai... Ưu tiên chọn các loại sữa tách béo, sữa ít đường hoặc không đường để bảo vệ sức khỏe.
Người bệnh Gout nên hạn chế các loại sữa nhiều ngọt như sữa đặc, sữa giàu năng lượng… Đặc biệt, sữa đậu nành có chứa nhiều nhân purin, có khả năng chuyển hóa, làm gia tăng hàm lượng acid uric trong máu khiến các tinh thể muối urat lắng đọng nghiêm trọng ở khớp xương. Nếu sử dụng sữa đậu nành thường xuyên sẽ khiến tình trạng bệnh ngày một chuyển biến xấu hơn.
![]() |
Người mắc bệnh gout nên kiêng gì? |
Thịt đỏ (bò, lợn, dê…): chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao làm tăng nồng độ axit uric trong máu, là nguyên nhân gây ra bệnh gout Nội tạng động vật (gan, thận, tim, dạ dày, óc…): chứa nhiều purin, chính là chất gây tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến bệnh trở nên trầm trọng Hải sản: Các loại hải sản (như cá trích, cá ngừ, động vật có vỏ nghêu, sò, ốc,…) chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm cả chất purin Rượu, bia cũng như các chất kích thích, đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây, nước có gas… Thực phẩm đóng hộp (nem chua, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng…) Bánh ngọt và bánh quy vì đây là những thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ axit uric. |
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!