Theo Kết luận giám định số NH247-23YC/KLGD của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu "VIỆT THẮNG LỢI" được sử dụng bởi Cơ sở chăn drap gối nệm Thắng Lợi (Bình Dương) đã có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty TNHH Nệm Thắng Lợi - chủ sở hữu nhãn hiệu "THẮNG LỢI" (GCNDKNH số 343947). Tuy nhiên, nhãn hiệu "Việt Thắng Lợi" vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký với thời hạn bảo hộ lên đến 10 năm.
Thương hiệu độc quyền của Nệm Thắng Lợi và Thương hiệu vi phạm bản quyền Việt Thắng Lợi. Ảnh: DNCC. |
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu phải đảm bảo ba tiêu chí cơ bản: tính mới của nhãn hiệu, khả năng phân biệt và không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Ông Dương Hoàng Giang – Giám đốc Công ty Việt Thằng Lợi trình bày: “Nhãn hiệu Việt Thắng Lợi tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu NỆM THẮNG LỢI của chúng tôi. Để có thêm cơ sở trong việc đánh giá sự tương tự gây nhầm lẫn giữa 2 nhãn hiệu, công ty đã làm thủ tục giám định sự tương tự gây nhầm lẫn và xâm phạm của nhãn hiệu trên và đã có kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ là Nhãn hiệu Việt Thắng Lợi có yếu tố xâm phạm đến quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của chúng tôi (Kết luận giám định SHCN số: NH247-23YC/KLGĐ). Công ty xin gửi kèm bản sao kết luận giám định này để quý cơ quan có cơ sở xem xét huỷ bỏ hiệu lực đối với văn bằng bảo hộ số 4-0504490-000 của chủ đơn Nguyễn Thị Thu Hằng, để đảm bảo quyền và lợi ích của chúng tôi đối với nhãn hiệu cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng….”
Kết luận giám định đã chỉ ra các yếu tố xâm phạm về tính tương tự gây nhầm lẫn. Cụ thể, cả hai nhãn hiệu có cấu trúc và cách phát âm gần giống nhau, sử dụng màu sắc tương tự (xanh lá cây, trắng) và cùng áp dụng cho sản phẩm đệm. Về quyền độc quyền, việc sử dụng nhãn hiệu không được sự cho phép của chủ sở hữu và kinh doanh trên cùng một thị trường.
Theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, buộc chấm dứt hành vi vi phạm và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu và duy trì trật tự trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Tú - Văn phòng Luật sư Lê Tú & cộng sự phân tích: “Trường hợp tổ chức, cá nhân là bên thứ ba thực hiện yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ thì thời hạn giải quyết là 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn yêu cầu, đồng thời Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo bằng văn bản về ý kiến của tổ chức, cá nhân để chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến và ấn định 02 tháng để chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có ý kiến. Sau thời hạn này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ trong vòng 03 tháng. Thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng nếu chủ văn bằng có ý kiến khác với tổ chức, cá nhân…”
Trước hết, về căn cứ thu hồi, nhãn hiệu "Việt Thắng Lợi" có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng tên thương mại tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu "Thắng Lợi" đã được bảo hộ trước đó. Điều này vi phạm nguyên tắc về tính phân biệt và không gây nhầm lẫn trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Luật sư Lê Văn Tú - Văn phòng Luật sư Lê Tú & cộng sự, địa chỉ: 416/11 Dương Quảng Hàm, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh: Điều 5.A.1.3: Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 200, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). 1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. 3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. 4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan. |