Một số người tham gia mạng xã hội phản ảnh, những ngày qua họ rất lúng túng khi đọc các tin bài báo chí, về hoạt động xã phường mới, đều nêu tên gọi địa danh mới, trong khi đa số người dân chưa làm quen, chưa kịp ghi nhớ, nắm bắt các tên gọi này. Thậm chí một số doanh nghiệp, khi nhận các thông báo mới từ chính quyền, cơ quan quản lý, cũng ngờ vực không biết có chính xác mình là đối tượng tham gia các yêu cầu hoạt động ở địa bàn được nêu tên không.
![]() |
Một tít báo ghi nhận hoạt động xã phường theo địa danh mới ở Đà Nẵng mà nhiều người dân chưa kịp nắm bắt, làm quen. |
Một giám đốc doanh nghiệp tại Đà Nẵng giải thích: “Tôi nhận được thông báo ứng dụng thương mại điện tử, ghi rõ địa bàn phường này phường kia có sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ công nghệ trẻ để làm quen số hóa, nhưng loay hoay nghĩ mãi không biết mình đang ở phường nào để tham gia. Mà đâu phải ai cũng có thời gian tra cứu lại những thông tin tưởng chừng rất cơ bản này”.
Tâm tư của vị giám đốc, cũng được nhiều người chia sẻ. Một cựu giáo viên dạy văn ở phường Hải Châu (Đà Nẵng) bình luận, cá nhân ông cũng rất lúng túng khi đọc tin tức đại hội phường này, phường kia trên các báo, mà không hình dung được địa chỉ đó thật sự là vùng cư dân nào trước đây. Đặc biệt với bối cảnh sáp nhập địa giới, tinh giản bộ máy hành chính hiện nay, hầu hết cơ sở xã phường đều thay đổi tên gọi, lại càng “làm khó” người dân khi họ chưa kịp ghi nhớ vùng địa danh mới.
Theo kiến nghị của thầy giáo này, tốt nhất các cơ quan hành chính, và nhất là cơ quan báo chí, nên xem xét việc nhắc lại, biểu hiện tên gọi địa danh cũ, có thể đặt trong ngoặc chú dẫn, giải thích, giúp người dân làm quen dần với tên gọi mới, và nắm bắt chính xác hơn những thông tin tuyên truyền.
Điều này, thật ra đã có thông lệ ngầm trong quan hệ hành chính xã hội lâu nay, khi xuất hiện một địa danh mới thay thế địa danh cũ, người ta sẽ chú dẫn tên gọi cũ trên các phương tiện thông tin, văn bản hành chính thêm một thời gian. Tùy mức độ ảnh hưởng của vùng địa danh mới, việc lưu ký địa danh cũ này có thể kéo dài 3 – 6 tháng, thậm chí 1 năm. Cá biệt với những địa danh lịch sử, có dấu tích văn hóa xã hội quan trọng, việc trích dẫn tên gọi cũ đó trong các văn bản chính thức sẽ được giữ nguyên, không cải sửa. Địa danh mới đi cùng, có thể sẽ chỉ thể hiện trong dấu ngoặc chú dẫn, để tiện tra cứu so sánh với thực tế đời sống và quản lý hành chính mà thôi.
Nhà giáo Nguyễn Bích Khuê (Quảng Ninh) chia sẻ trên mạng xã hội: “Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các xã mới tỉnh mới, sử dụng tên gọi mới, khiến nhiều người đọc người nghe không hình dung được các xã ấy ở nơi đâu! Vậy đề nghị nhà báo, nhà đài có thể mở ngoặc nhắc tên gọi xã, huyện cũ, tỉnh cũ, để tiện người dân nắm bắt. Cái sự mở ngoặc này có thể nên duy trì trong thời gian khoảng 6 tháng, có được không?”.