Thời khắc sinh tử của Evergrande đã đến

10:54 23/09/2021

Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, Evergrande sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn mang tính sống còn vào thứ năm: Đáp ứng và hoàn thành nghĩa vụ đối với các chủ sở hữu phiếu nợ của công ty hay bước thêm một bước đến gần với kết cục vỡ nợ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo dữ liệu từ Refinitiv, Evergrande sẽ phải trả lãi suất trị giá 83,5 triệu đô cho một trái phiếu đô la vào thứ năm. Hiện vẫn chưa rõ liệu công ty có thực hiện khoản thanh toán đó hay không. Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại trước nguy cơ một trong những nhà bất động sản lớn nhất của Trung Quốc có khả năng sụp đổ, gây ra làn sóng chấn động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, công ty được cho là đã lên kế hoạch trả lãi trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ mặc dù đã đạt được các thỏa thuận với chủ sở hữu khoản thanh toán. Sau thông báo này, cổ phiếu của Evergrande đã tăng trở lại 32%, khi thị trường Hồng Kông mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Chỉ số Hang Seng (HSI) tăng gần 2%, được thúc đẩy bởi cổ phiếu bất động sản và tài chính. 

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường của IG Group, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Trọng tâm hiện đang được chuyển sang thanh toán lãi trái phiếu bằng đô la, hạn thanh toán là hôm nay sau khi giải quyết xong khoản thanh toán trái phiếu trong nước”. Ông nói: “Các thị trường sẽ chờ đợi giải pháp tiếp theo về các khoản thanh toán trái phiếu”. Chinese Estates, cổ đông lớn thứ hai của Evergrande cũng là đồng minh kinh doanh lâu năm của công ty, chỉ ra trong một hồ sơ trao đổi chứng khoán rằng họ đã bán số cổ phiếu Evergrande trị giá 246,5 triệu đô la Hồng Kông trong vài tuần qua. Công ty cũng có thể bán số cổ phần còn lại.

Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả khi Evergrande không thực hiện khoản thanh toán 83,5 triệu đô la ngay lập tức, bom nợ này vẫn còn thời gian để gỡ rối. Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Oanda, đã viết về vấn đề này trong một báo cáo, nhưng kéo dài thời gian thanh toán sẽ khiến nhà đầu tư càng thêm lo lắng về khả năng tồn tại của công ty. Evergrande đang vướng phải khoản nợ trị giá 300 tỷ đô la, chủ nợ chính là các tổ chức tài chính Trung Quốc, các nhà đầu tư bán lẻ, người mua nhà và các nhà cung cấp của tập đoàn trong các ngành xây dựng, vật liệu và thiết kế. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nắm giữ một số khoản nợ. Trong vài tuần qua, công ty đã cảnh báo các nhà đầu tư hai lần rằng họ có thể vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng. Vẫn chưa rõ liệu công ty có đến bước đương cùng hay không, hoặc liệu Bắc Kinh có can thiệp tái cơ cấu nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc rộng lớn hơn.

Bắc Kinh sẽ “bảo lãnh” cho Evergrande?

Bất động sản chiếm hơn 7% nền kinh tế Trung Quốc và nhiều nhà phân tích tin rằng chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ can thiệp trong một số khả năng. Các nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo nghiên cứu đầu tuần này: “Chúng tôi không mong đợi các hành động của chính phủ sẽ giúp Evergrande loại trừ hoàn toàn rủi ro. Một gói cứu trợ toàn diện của chính phủ sẽ làm suy yếu chiến dịch nhằm tăng cường kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản”. Thay vào đó, giới chuyên gia dự kiến trọng tâm của trung ương là dẫn dắt Evergrande thông qua quy trình tái cơ cấu nợ hoặc phá sản có trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cấp vốn để đảm bảo các nhà đầu tư nhỏ và người mua nhà được bảo vệ “càng nhiều càng tốt”. Các nhà phân tích cũng nói thêm, chỉ khi sự lây lan từ vụ Evergrande khiến các nhà phát triển bất động sản lớn khác thất bại, chính phủ mới trực tiếp vào cuộc. Nhưng họ tin rằng tác động đến hệ thống tài chính chỉ Evergrande vẫn “có thể kiểm soát được”. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Macquarie Group cũng không nghĩ rằng Evergrande có khả năng được cứu trợ: “Chính phủ sẽ đảm bảo rằng các căn hộ bán trước được hoàn thành và giao cho người mua nhà... mặc dù các cổ đông và người cho vay có thể lỗ lớn”. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ muốn tránh bất kỳ sự leo thang nào trong các cuộc biểu tình gần đây từ phía các nhà đầu tư và chủ sở hữu căn hộ, những người đã tụ tập bên ngoài trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến để đòi lại tiền.

Mối quan tâm lâu dài

Những rắc rối của Evergrande đã tồn tại được một thời gian. Trong những năm gần đây, các khoản nợ tăng lên khi công ty này vay vốn tài trợ cho các hoạt động kinh doanh khác nhau, từ nhà ở, xe điện đến thể thao và công viên giải trí. Sau đó, vào tháng 8 năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu kiềm chế việc vay nợ quá mức của lĩnh vực bất động sản nhằm cố gắng ngăn thị trường nhà ở trở nên quá “nóng” và kiềm chế tăng trưởng nợ.

Trong vài tuần qua, cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande ngày càng gia tăng, khiến cổ phiếu và trái phiếu của công ty tiếp tục lao dốc. Theo Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ING Economics, nhu cầu giảm nhẹ bất kỳ tổn thương nào đối với các nhà đầu tư nhỏ có thể sẽ là trọng tâm của đợt tái cơ cấu của Evergrande. Ông trích dẫn những phát biểu gần đây của chủ tịch Tập Cận Bình về thịnh vượng chung và nhu cầu phân phối lại của cải vì lợi ích “công bằng xã hội”. Chiến lược này đã ảnh hưởng đến cuộc đàn áp sâu rộng của Bắc Kinh đối với các lĩnh vực công nghệ, tài chính, giáo dục và nhiều ngành khác, nước này đổ lỗi cho khu vực tư nhân gây ra rủi ro tài chính và làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng cũng như bất bình đẳng.

TL