Báo cáo mới đây của Canalys cho biết, thị trường điện thoại thông minh Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm 2024, trái ngược hoàn toàn với tình hình ảm đạm đang diễn ra ở các khu vực khác.
Theo chuyên gia phân tích của Canalys, Le Xuan Chiew, khu vực Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm từ nhiều thương hiệu và nhà đầu tư, với sự phát triển đầy triển vọng. Sự ổn định trong áp lực lạm phát nhờ vào các chính sách của các chính phủ và đà tăng trưởng từ các sự kiện bán hàng cuối năm 2023 đã giúp tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng tích cực hơn.
Báo cáo của Canalys cho thấy, 5 thị trường hàng đầu khu vực (Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia) xuất xưởng 7,26 triệu chiếc smartphone trong tháng 1, tăng 20% so với cùng kỳ.
Kết quả tiếp nối sự phục hồi của thị trường bắt đầu từ quý IV năm ngoái, khi lượng điện thoại xuất xưởng ở Đông Nam Á lần đầu tiên sau gần hai năm đã có tăng trưởng, khi ngành công nghiệp dần phục hồi sau đại dịch.
"Để tận dụng sự hồi sinh của thị trường, các nhà sản xuất smartphone đang triển khai các chiến thuật tích cực để giành ưu thế", ông Le Xuan Chiew nói. Nhà phân tích lưu ý đến các xu hướng như 5G giá rẻ, tích hợp AI, phát triển hệ sinh thái và tối ưu hóa kênh thương mại.
Canalys dự báo thị trường điện thoại Đông Nam Á tăng trưởng 7% trong năm nay, tốc độ nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, hiện là 3%. Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 1% và thị trường Bắc Mỹ được dự báo sẽ đi ngang.
Indonesia vẫn là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 38% lượng xuất xưởng trong tháng 1. Thị trường lớn thứ hai, Philippines, cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất với lượng smartphone giao hàng tăng 77% so với cùng kỳ.
Các thị trường lớn tiếp theo lần lượt là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Việt Nam là quốc gia duy nhất chứng kiến lượng hàng xuất xưởng giảm theo năm, giảm 2%.
Trong tháng 1, Samsung giành lại vị thế thị phần dẫn đầu trong ở vực Đông Nam Á nhờ ra mắt thành công dòng smartphone Galaxy S24 cao cấp.
Các đối thủ Trung Quốc cũng đang dồn nguồn lực nhiều hơn vào thị trường Đông Nam Á và đang giới thiệu các mẫu smartphone có mức giá cạnh tranh. Xiaomi, thương hiệu smartphone của Trung Quốc, có doanh số smartphone lớn thứ hai ở khu vực. Trong tháng 1, thương hiệu này ghi nhận mức tăng trưởng doanh số hàng năm ở Đông Nam Á là 128%.
Transsion, một thương hiệu tương đối mới của Trung Quốc, chứng kiến mức tăng trưởng doanh số smartphone hàng năm lên đến 190%. Thương hiệu này đang nắm giữ thị phần lớn thứ ba ở Đông Nam Á.
Nhà phân tích Le Xuan Chiew cho rằng, với thu nhập khả dụng và dân số trẻ gia nhập lực lượng lao động ở Đông Nam Á ngày càng tăng. Điều này giúp các nhà sản xuất smartphone có lý do chính đáng để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này.
Theo Counterpoint Research, trái ngược với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, thị trường điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu, đã chứng kiến doanh số bán điện thoại thông minh giảm 7% trong sáu tuần đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán điện thoại thông minh của Apple tại Trung Quốc giảm tới 24% trong sáu tuần đầu năm nay. Sự suy giảm này phần nào đến từ sự hồi sinh của Huawei, nhưng cũng là do doanh số giao hàng cao bất thường của Apple vào đầu năm 2023.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng trong các thị trường như Trung Quốc và Mỹ chậm lại, các thương hiệu bán điện thoại cao cấp như Apple và Huawei ngày càng tìm kiếm các thị trường mới nổi như Đông Nam Á, nơi có tiềm năng tăng trưởng.
Phương Linh (T/h)