Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong tuần giao dịch từ 21/8 đến 27/8, giá của hai mặt hàng đường đã đồng loạt tăng mạnh. Đường 11 ghi nhận mức tăng lên tới 4,50%, còn đường trắng cũng tăng 3,26%.
Sự biến động đáng chú ý này xuất hiện sau thông tin từ Ấn Độ – quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu đường – về việc kế hoạch cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024. Thay đổi này đẩy thị trường vào tình trạng lo ngại về sự thiếu hụt cung đường trên toàn cầu.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường thế giới đang tăng mạnh, đạt đỉnh cao trong vòng thập kỷ qua. Sự gia tăng này đã tác động tích cực lên giá đường trong nước, thúc đẩy xu hướng tăng giá.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng, các nhà máy sản xuất đường đã tăng công suất sản xuất. Hơn nữa, một số nhà máy tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung – trước đó đã phải tạm đóng cửa do thiếu nguyên liệu – sẽ được khôi phục hoạt động.
Các chuyên gia đã từng đưa ra cảnh báo về sự sụt giảm sản lượng đường tại Ấn Độ và Thái Lan, cũng như tại một số quốc gia sản xuất lớn khác, góp phần tạo ra tình trạng thiếu hụt cân cầu đường trong niên vụ 2023/24.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong dự báo giá đường thế giới sẽ duy trì quanh mức 520 USD/tấn trong năm 2023 do nhiều yếu tố, trong đó có tình hình thời tiết bất lợi tại một số quốc gia xuất khẩu đường như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan; xung đột Nga - Ukraine; và sự gia tăng sản xuất cồn sinh học từ mía. Dự báo sản lượng đường cung ứng toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ ở mức 178,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ đạt khoảng 178,9 triệu tấn.
Khả năng giá đường toàn cầu duy trì ở mức cao đã có tác động tích cực đến giá đường trong nước. Tình hình tiêu thụ đường vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan, với triển vọng tăng trưởng hàng năm khoảng 5% về mặt giá trị trong giai đoạn từ 2023 đến 2028.
Đường là một thành phần không thể thiếu trong quá trình chế biến nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Năm 2022, thị trường châu Á - Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng tiêu thụ đường lớn nhất, chiếm 41% tổng lượng đường tiêu thụ toàn cầu, tiếp đến là châu Âu (25%) và Bắc Mỹ (17%). Quy mô thị trường đường toàn cầu trong năm 2022 đạt 44,5 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt khoảng 46,4 tỷ USD trong năm 2023.
PV (t/h)