Tại tọa đàm “TP. Hồ Chí Minh phát triển không gian thương mại - dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - đánh giá, TP. Hồ Chí Minh sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm tiêu dùng tầm khu vực Đông Nam Á, thậm chí Đông Bắc Á, nếu tận dụng tốt lợi thế tích hợp với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đó, thành phố cần gỡ bỏ các rào cản về thể chế và đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, bài bản.
Hiện thành phố có hơn 400 chợ truyền thống, phần lớn thuộc nhóm chợ hạng 3, khoảng 350 siêu thị và 400 trung tâm thương mại hiện đại – con số còn khá khiêm tốn so với các đô thị lớn trong khu vực. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và logistics cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Đáng chú ý, số lượng cửa hàng thực phẩm đã giảm từ 39.000 (năm 2020) xuống 37.000 (năm 2023), trong đó các cửa hàng tạp hóa truyền thống giảm mạnh, trong khi các mô hình bán lẻ hiện đại cũng có dấu hiệu chững lại. Đây là chỉ báo rõ ràng cho thấy sức mua đang suy yếu và các chuỗi bán lẻ buộc phải cạnh tranh khốc liệt hơn để duy trì hiệu quả kinh doanh.
![]() |
Thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh đang bão hòa. Ảnh minh họa |
TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến chi phí logistics cao là do hệ thống hạ tầng được phát triển rời rạc, thiếu liên kết. Việc sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ hội để hình thành hệ sinh thái logistics liên thông, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Khải, để tận dụng cơ hội này, TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nâng cấp toàn diện năng lực vận hành chuỗi cung ứng bán lẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng siêu đô thị hiện đại, thành phố đã kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư hạ tầng thương mại, logistics và chuyển đổi số. Đồng thời, thành phố cam kết sẽ phối hợp liên ngành, liên vùng để rà soát quy hoạch, phát triển không gian thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể:Tích hợp các tiêu chí xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và phát thải thấp vào quy hoạch các chợ đầu mối, trung tâm logistics và trung tâm thương mại; khuyến khích mô hình thí điểm linh hoạt, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và người dân làm động lực; thúc đẩy ứng dụng công nghệ, số hóa quản lý và vận hành chuỗi cung ứng liên vùng.