Thất nghiệp ở Trung Quốc: Các cuộc đàn áp về quy định của Bắc Kinh gây trở ngại cho người trẻ tìm việc ở thành thị

16:30 16/09/2021

Theo dữ liệu kinh tế mới nhất, cứ 7 người lao động trẻ ở thành thị ở Trung Quốc thì có một người thất nghiệp do các biện pháp đàn áp của Bắc Kinh đối với các ngành công nghiệp chủ chốt, tăng thêm áp lực đối với lĩnh vực việc làm trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế trên diện rộng.

Tìm việc trên các trang báo dường như trở thành thói quen của nhiều người trẻ tại Trung Quốc
Tìm việc trên các trang báo dường như trở thành thói quen của nhiều người trẻ tại Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Các số liệu chính thức chỉ ra rằng, khảo sát lao động độ tuổi từ 16 đến 24 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp bao gồm hầu hết sinh viên tốt nghiệp trung học và đại học đạt 15,3% trong tháng 8. Mặc dù chỉ số của tháng trước đã được cải thiện từ 16,2% trong tháng 7 và thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mùa tốt nghiệp tháng 6, nhưng đây là biểu hiện gia tăng so với mức 13,2% vào tháng 8 năm 2019.

Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered chỉ ra: “Có sự mất cân bằng về cơ cấu. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không muốn làm một số công việc hoặc đi đến một số vùng nhất định”. Ông hy vọng con số thất nghiệp năm nay sẽ giúp cảnh tỉnh và thúc đẩy hàng triệu sinh viên tham gia thị trường vào những năm sau.

Tuy nhiên, trước mắt, tình hình có thể căng thẳng hơn do Bắc Kinh đàn áp lĩnh vực giáo dục tư nhân nơi hàng chục nghìn người trẻ đang hoạt động. Ngành công nghệ cũng không khá hơn khi trở thành mục tiêu lớn của chính quyền và động thái này được cho là dẫn đến tình trạng mất việc làm, ảnh hưởng đến tuyển dụng.

Trong khi đó, các đợt bùng phát đơn lẻ biến thể Delta trên khắp Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình, tác động sâu rộng đến ngành dịch vụ và các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh đang đặt ưu tiên ổn định thị trường việc làm của quốc gia. Tổng cộng 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp năm nay, gần 300 triệu dân số lao động nhập cư và các cựu quân nhân là ba trong số các nhóm chính nằm trong chính sách hỗ trợ.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tạo ra 55 triệu việc làm ở thành thị vào năm 2025, trong đó có 11 triệu việc làm trong năm nay, theo kế hoạch 5 năm (2021-2025) do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố vào tháng trước. Tổng cộng 9,38 triệu việc làm mới ở thành thị đã được tạo ra trong 8 tháng đầu năm chiếm khoảng 85,3% mục tiêu hàng năm.

Những mục tiêu trên không tránh khỏi sóng gió như tăng trường doanh số bán lẻ trong tháng 8 đã chậm lại còn 2,5%, giảm mạnh so với 8,5% một tháng trước đó. Nguyên nhân là bởi nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Tăng trưởng kinh tế quốc gia được dự báo sẽ giảm từ mức tăng 7,9% trong quý thứ hai. Ngoài ra, một số công ty giáo dục tư nhân bắt đầu sa thải nhân sự, nhiều người trong đó ở độ tuổi 20 sau khi Bắc Kinh kìm hãm ngành công nghiệp trị giá 70 tỷ đô la Mỹ, cho rằng ngành này “vi phạm Luật giáo dục” và gây gánh nặng cho các gia đình.

Số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát là 5,1% trong tháng 8 không thay đổi so với tháng 7, nhưng thấp hơn mục tiêu kiểm soát hàng năm của chính phủ là 5,5%. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng con số trên không đáng tin cậy vì hàng chục triệu chủ doanh nghiệp đang tự làm chủ và gần 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc không được tính đến.

TL