Thanh toán không dùng tiền mặt: Yếu tố giúp ngân hàng bứt phá

11:04 22/02/2021

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề ra cho các đơn vị thuộc NHNN 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố quan trọng khiến các ngân hàng bứt phá.

Các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

2- Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các TCTD yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

3- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.

4- Tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính (CCHC) nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng thông thoáng, thuận lợi hơn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Về nhiệm vụ thứ 3, thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động. Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 10/2020 số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

  Thanh toán không dùng tiền mặt: Yếu tố giúp ngân hàng bứt phá.

Theo giới chuyên gia, tăng trưởng khá ấn tượng của TTKDTM ở năm 2020 phần nhiều do ảnh hưởng của Covid-19, khi thói quen, hành vi của con người từ offline dần chuyển sang online. Theo đó, không chỉ riêng với thanh toán, quy trình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại của các nhà băng cũng cho thấy có sự chuyển dịch lớn. Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, công nghệ số phát triển cho phép đưa toàn bộ hoạt động của ngân hàng lên môi trường mạng, thay vì chỉ đơn giản như trước đây là số hoá tài liệu hay quy trình, nên “số hoá chính là một trong những yếu tố chính để giúp các ngân hàng có thể bứt phá trong năm 2021”. Hay nói cách khác, cơ hội sẽ chia đều cho các ngân hàng bất kể quy mô ra sao, ai nhanh chóng ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số sẽ là người chiếm ưu thế trên thị trường.

Đặc biệt, cuối năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Điểm đáng chú ý và được trông ngóng từ khá lâu chính là tại Thông tư mới này đã quy định rõ ràng về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các TCTD bằng phương thức điện tử (eKYC). eKYC chính thức được áp dụng từ 5/3/2021, đồng nghĩa với cánh cửa cho ngân hàng số đã được mở. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, eKYC chỉ là bước khởi đầu, không phải chìa khoá vạn năng, để chuyển đổi số thành công phải có chiến lược và quy trình cụ thể.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng, bản thân ngân hàng phải nhận thấy sự cần thiết đổi mới tư duy chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới”. Yếu tố đầu tiên được bà Dương nhắc tới nằm ở hệ sinh thái, khi thành công trong tương lai phụ thuộc lớn vào sự hợp tác giữa các thành viên trong hệ sinh thái, trong đó mỗi bên đóng vai trò thiết yếu khác nhau. Bên cạnh đó, các nền tảng tài chính - ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất sẽ trở thành xu thế, ở đây muốn nói tới open banking. “Quan trọng nữa là công nghệ, vì công nghệ mới hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng”.

Báo cáo từ phía Vụ Thanh toán chỉ ra, hiện nay 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hơn 82% TCTD kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; hơn 58% TCTD kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số… Phân tích dữ liệu (Data Analytic) và Dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng rộng rãi nhất cho các hoạt động nghiệp vụ.

B.N