Phóng viên Doanh nghiệp & Hội nhập nhận được thông tin phản ánh của người dân phường Hải Châu về việc, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý để một cơ sở kinh doanh chế biến thuỷ hải sản ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn đê biển xây dựng nhà xưởng trái phép nhiều năm nay, vi phạm an toàn đê, có dấu hiệu vi phạm đất rừng phòng hộ ven biển, xâm hại môi trường biển, gây ra nguy cơ về mặt môi trường và an toàn đối với tuyến đê biển Hải Châu.
Có mặt tại tuyến đê sông Yên, phóng viên ghi nhận được thực trạng rừng sú vẹt bị lấn chiếm, san lấp, gia cố thành sân phơi cá, một nhà xưởng hấp cá có diện tích hàng nghìn m2 mọc lên ngay trong phạm vi hàng lang thoát lũ của đê, không có bất kỳ phương án phòng cháy chữa cháy nào, không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải ken đặc, đóng váng dầu mỡ cá được thông qua đường ống đi vào lòng đất, không hiểu sẽ đổ vào đâu(!?). Quan sát thực tế cho thấy, tổng diện tích chiếm dụng hành lang an toàn và thoát lũ tại tuyến đê biển Hải Châu lên tới cả hecta. Được biết thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không có sự can thiệp của chính quyền hay lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.
Làm việc với bà Nguyễn Thị Hòa- chủ cơ sở nhà xưởng trên, bà Hòa không cung cấp được bất kỳ giấy tờ hợp lệ nào liên quan đến việc xây dựng và hoạt động của nhà xưởng.
Trước thực trạng trên, phóng viên đã gọi điện cho ông Bùi Thanh Liêm- Chủ tịch UBND phường Hải Châu để để xác minh nội dung. Qua trao đổi điện thoại, ông Liêm khẳng định: Hộ kinh doanh Lý Hoà không lấn chiếm hành lang đê biển, diện tích này cho Lý Hòa thuê sử dụng làm 17,18 năm nay rồi, qua nhiều đời chủ tịch rồi. Hiện nay phường đang cho thuê theo hợp đồng 5 năm một. Đây là đất 5% của phường”.
Nhưng sau khi phóng viên đặt lịch làm việc thì ông Bùi Thanh Liêm có cung cấp một văn bản chữ ký “tươi rói” có từ năm 2021 về việc không tiếp tục gia hạn hợp đồng cho thuê đất đối với hộ kinh doanh của gia đình bà Nguyễn Thị Hoà và một công văn số 235/ CV/UBND phường Hải Châu về việc phúc đáp thông tin báo chí liên quan đến hộ kinh doanh hải sản Lý Hoà. Thêm một lần nữa, ông Liêm khẳng định đây là đất cho thuê 5% từ những năm 2001, số tiền cho thuê được nộp vào ngân sách hàng năm, nhưng khi phóng viên xin được tiếp cận hợp đồng cho thuê đất thì ông Liêm trả lời không thể cung cấp vì liên quan đến thu chi của UBND phường Hải Châu.
Công văn số 235/CV/UBND Phường về việc không tiếp tục gia hạn cho thuê đất từ tháng 12 năm 2021, nhưng trên thực tế cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động bình thường và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Khi được phóng viên đặt vấn đề về nội dung này, ông Liêm trả lời: “Không cho người ta làm thì người ta phơi ở đâu, để cho cá thối à”. Như vậy, với câu trả lời của ông chủ tịch phường, cho thuê đất và không cho thuê đất không khác gì nhau, vì hộ kinh doanh vẫn thực hiện kinh doanh mà không cần có bất kỳ sự quản lý nào của chính quyền địa phương, và vấn đề sai phạm vẫn tiếp tục tiếp diễn?!
Sự trả lời bất nhất của ông Liêm về việc đang cho thuê đất và thông báo không tiếp tục gia hạn có phải chăng là một cách "chữa cháy" nhằm hợp thức hoá một vấn đề đang bức xúc trong dư luận.
Hiện mùa mưa lũ đã bắt đầu đến, đê biển và hành lang thoát lũ của đê vốn là công trình chắn sóng, ngăn chặn tình trạng nước dâng và xâm nhập mặn, thế nhưng không biết từ lúc nào tại phường Hải Châu, hành lang thoát lũ của đê biển lại trở thành đất 5% của phường được sử dụng vào mục đích cho dân thuê để xây nhà xưởng hấp cá, khiến dư luận bức xúc?
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Hoàng Bá Trung- Trưởng phòng TN&MT thị xã Nghi Sơn, ông Trung khẳng định: “Việc xây dựng ngoài đê biển là vi phạm hành lang an toàn đê và hành lang thoát lũ của biển đó là sai phạm hoàn toàn. Chúng tôi sẽ cho thành lập đoàn kiểm tra liên nghành tiến hành kiểm tra và xử lý dứt điểm”.
Về phía Cục Đê điều, trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn- Hạt trưởng Hạt Đê điều Đông Nam, ông Tuấn cũng cho biết: “Đây là hệ thống đê cấp 4 thuộc quản lý của địa phương, vấn đề này đơn vị cũng đã nắm được nhưng không có kinh phí nên chưa thể di dời và đã có từ nhiều năm trước nên chúng tôi chưa làm văn bản báo cáo lên cấp trên”.
Từ vấn đề nêu trên, dư luận đăng đặt ra một câu hỏi: Có hay không việc chính quyền tiếp tay cho hộ dân thực hiện hành vi chiếm dụng trái phép hành lang an toàn, thoát lũ của đê biển? Nếu xảy ra tình trạng triều cường dâng hoặc lũ thượng nguồn về, với mức độ vi phạm hiện tại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thoát lũ, đảm bảo an toàn đê và an sinh của người dân trong khu vực? Trách nhiệm của đơn vị quản lý ở đâu khi để tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn và thoát lũ xảy ra tại tuyến đê biển Hải Châu?
Căn cứ Luật Đê điều 2006 và Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017, tại khoản 5, Điều 7 quy định: Không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống, lũ, lụt, bão công trình phụ trợ và công trình đặc biệt sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, đồng thời buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm.
Phóng viên tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Ngọc Lâm – Quang Thắng