Hội thảo khoa học về phát triển doanh nhân trong thời kỳ mới. |
Thanh Hóa là tỉnh sớm được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Nếu như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị vạch ra những đường hướng lớn về một Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, thì Nghị quyết số 37 của Quốc hội như một đòn bẩy cơ chế, thôi thúc tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một Thanh Hóa "kiểu mẫu".
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Để thực hiện được những mục tiêu và khát vọng phát triển tỉnh Thanh Hóa như tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Thanh hóa lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu. |
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 30/11/2023; UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 12/01/2024 đề ra mục tiêu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng; có năng lực quản trị tiên tiến, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, hình thành một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ trong nước và khu vực Đông Nam Á; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp”.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế như: Phần lớn các doanh nghiệp quy mô sản xuất, kinh doanh còn ở mức nhỏ và vừa, rất ít doanh nghiệp quy mô lớn, cơ cấu các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề còn chưa hợp lý; việc ứng dụng khoa học và chuyển đổi số còn chậm; kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thấp; đội ngũ doanh nhân còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập… Số lượng doanh nghiệp phát triển hằng năm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tốc độ phát triển kinh tế, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế của tỉnh; một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân hiệu quả chưa cao.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiêp hội DN tỉnh Thanh Hoá phát biểu. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập. Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Trong những năm qua, mặc dù bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đồng lòng, quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế- xã hội tỉnh Thanh Hóa ngày càng có bước phát triển nổi bật.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đã tạo việc làm cho khoảng 430.000 lao động; nộp ngân sách nhà nước trên 10.063 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh, gấp 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa; khuyến học, khuyến tài; các hoạt động nhân đạo, từ thiện; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ta ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước (sau Bắc Giang tăng 13,89%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 42.695 tỷ đồng vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Nghị quyết số 41-NQ/TW về“xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành và tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đang nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của cả nước, nhất định Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống để góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại hội thảo. |
GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ chia sẻ: Nghị quyết 41 ra đời đúng thời điểm được cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận. Nhiệm vụ nặng nề đặt ra là phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng của Bộ Chính trị. Tôi rất tâm đắc với quan điểm nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp mà Nghị quyết đưa ra. Bởi thực tế, doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển từ quy mô gia đình nên tư duy quản lý, quản trị doanh nghiệp thiếu và yếu. Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế mà tồn tại những “lỗ hổng” thì sẽ rất bất ổn.
Bộ Chính trị rất kịp thời ban hành Nghị quyết 41 để củng cố lại đội ngũ doanh nghiệp, doanh nghiệp có đủ năng lực, phẩm chất, kiến thức phù hợp với tình hình mới và trở thành nòng cốt của nền kinh tế. Nghị quyết 41 cũng khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm. Đa dạng hoá các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Nghị quyết 41 nâng tầm vị thế doanh nhân thể hiện rất rõ ở việc tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan.
Có thể khẳng định, nội dung Nghị quyết 41 ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng và nâng cao vị thế doanh nhân, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức Hội doanh nghiệp. Chúng tôi đang chờ đợi các Bộ, ban, ngành trung ương, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt để Nghị quyết sớm đi vào đời sống doanh nghiệp.
Ông Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa phát biểu. |
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Hội thảo hôm nay, với mục tiêu tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả, triển khai thành công các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng về DN, doanh nhân trong bối cảnh cụ thể của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Hội thảo lần này là dịp để chúng ta trao đổi, thảo luận sâu về chủ đề trên, từ đó góp phần để tỉnh ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, để đội ngũ doanh nhân thanh hóa thực sự là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.