Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 300 cơ sở sản xuất bánh trung thu,hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng và địa điểm kinh doanh bánh trung thu và các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng Bảy đến rằm tháng Tám. Nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp cận với công nghệ làm bánh tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP).
Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh Trung thu có thương hiệu, uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì vẫn có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh ATTP, tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân, từ đầu tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai Kế hoạch cao điểm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh trung thu và việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia trong sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.
Tiến hành kiểm tra 56 cơ sở sản xuất, chế biến bánh Trung thu tại Thanh Hóa, chủ yếu các cơ sở đều mang tính chất hộ gia đình, sản xuất thủ công và theo thời vụ, thời hạn của bánh thành phẩm trong 1 tháng. Trong quá trình kiểm tra, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; có giấy tự công bố sản phẩm; một số cơ sở đã trang bị thêm máy móc, dụng cụ sản xuất đạt chất lượng; điều kiện vệ sinh cơ sở và điều kiện về con người đúng quy định; nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rõ ràng. Các điểm kinh doanh bánh trung thu thực hiện đúng các quy định trong bảo quản, có giấy chứng nhận đủ điều kiện của cơ sở sản xuất và tự công bố sản phẩm, ghi nhãn đúng quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, sử dụng các nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tính riêng từ 8/9/2023 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành và phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra phát hiện, xử lý 4 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 26 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, các đơn vị Công an trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các quy định của Nhà nước về vệ sinh ATTP góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP; các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng chất cấm ngoài danh mục được phép sử dụng và phụ gia trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Bảo Sơn