Thanh Hóa: Doanh nghiệp ngành Xây dựng cần một “cú hích” để vực dậy sau đại dịch Covid-19

21:54 30/06/2021

Cũng như mọi địa phương khác trong cả nước, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều lâm cảnh khốn đốn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng.

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc –Nam tại Hà Trung

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc –Nam tại Hà Trung.

Trong những ngày cuối  tháng 6 nắng nóng gay gắt, phóng viên  Doanh nghiệp & Hội nhập  gặp ông Hán Thành Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Tuấn Linh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hoằng Hóa, ông cho biết: Hội Doanh nghiệp Hoằng Hóa có 200 hội viên, trong đó có khoảng 35% doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng, sử dụng thường xuyên khoảng 2.000 lao động. Kể từ hơn một năm nay, do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua khó khăn để “chờ thời” khi dịch đi qua. Tuy nhiên, đợt dịch này vừa qua lại đến đợt dịch khác, dịch vừa tạm ngớt lại bùng phát trở lại. Đáng buồn hơn, từ mấy tháng qua, giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là tôn, sắt thép đã khiến các doanh nghiệp càng thêm điêu đứng, nhiều người nợ nần chống chất phải bán tháo tài sản cá nhân để trả nợ vốn vay, thanh toán lương, bảo hiểm cho người lao động.

Đứng trước những khó khăn, ông Tuấn trải lòng, hầu hết các doanh nghiệp ở Hoằng Hóa đều thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và năng lực, quy mô có hạn. Nên đa phần các gói thầu nhận được đều có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ, thời hạn thi công, bàn giao dưới một năm, theo dạng hợp đồng trọn gói (không có phát sinh, điều chỉnh). Trong khi thực tế thì do nhiều nguyên nhân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đa số các dự án thường bị chậm tiến độ (có những dự án đến hơn nửa năm vẫn chưa bàn giao được mặt bằng). Cùng với đó, giá vật tư xây dựng, nhân công, xăng dầu đều tăng cao, cụ thể như: Giá sắt, so với thời điểm quý III, IV năm 2020 đã tăng tới 30%, chênh lệch tới hàng chục nghìn đồng mỗi kg; giá đá dăm tăng từ 12.000 đồng/m3 lên trên 15.000 đồng/m3; đất san lấp từ 33.000 đồng/m3 lên trên 40.000 đồng/m3 (tại mỏ)... Ngoài giá cả vật tư tăng, do dịch bệnh nên quá trình thi công doanh nghiệp cũng phải áp dụng nghiêm túc quy định “5K” của ngành Y tế khiến phát sinh thêm một khoản chi phí đáng kể.

Về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, theo kế toán của Công ty Tuấn Linh cho biết: Đến nay, công ty mới chỉ được ưu tiên giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, được giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, ngoài ra chưa được tiếp cận các khoản vay hỗ trợ cũng như các ưu đãi khác.

Giống như các doanh nghiệp ngành Xây dựng tại huyện Hoằng Hóa, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực tại huyện Hà Trung cũng đang lao đao vì đại dịch. Theo ông Mai Văn Quân - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Mai Quân, Chủ tịch Dội doanh nghiệp Hà Trung, Hội doanh nghiệp Hà Trung có 200 hội viên, trong đó có 100 thuộc ngành Xây dựng và bất động sản, sử dụng thường xuyên khoảng 2.000 lao động. Từ khi đại dịch bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp đều lâm cảnh khó khăn chồng chất, nhất là từ năm 2021 đến nay, khi cơn “bão” giá vật tư nguyên liệu bùng phát. Theo ông Quân, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn là về nguồn đất san lấp phục vụ cho các dự án, trong đó có dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.

Sản xuất bê tông cấu kiện phục vụ công trình cao tốc Bắc-Nam tại Hà Trung
Sản xuất bê tông cấu kiện phục vụ công trình cao tốc Bắc-Nam tại Hà Trung.

Theo ước tính của ông Quân, nhu cầu về đất san lấp phục vụ cho các dự án xây dựng, gồm cả dự án đường cao tốc Bắc – Nam của huyện lên tới khoảng trên 4 triệu m3. Trong khi tại địa bàn huyện chỉ có 02 mỏ đất được cấp phép nhưng đã sắp hết trữ lượng. Do đó, vấn đề tìm nguồn đất phục vụ san lấp đang làm đau đầu hầu hết các doanh nghiệp, bởi nếu lấy đất “chui” là không thể vì sai chủng loại, không đảm bảo chất lượng, vi phạm Luật Tài nguyên - Khoáng sản. Lấy đúng mỏ theo quy định lại rất khó. Trong khi về giá cả, mức giá đất san lấp tại Hà Trung chỉ có 33.000 đồng/m3, nhưng giá thị trường lên tới 45.000 đồng/m3 (lỗ 12.000 đồng/m3, chưa kể cước phí vận chuyển).

Chung nỗi niềm với ông Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện, một Giám đốc doanh nghiệp cho biết, công ty của ông trúng thầu một số hạng mục của Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện, có tổng mức xây lắp 60 tỷ đồng. Trong đó riêng phần san lấp cần 350.000m3 đất, theo áp giá của chủ đầu tư là 35.000 đồng/m3, trong khi công ty phải mua tại mỏ 45.000 đồng. Tính ra, chỉ riêng khoản đất san lấp, doanh nghiệp đã lỗ khoảng 400 triệu đồng (kể cả cước phí vận chuyển). Cộng thêm các khoản vật tư, nhân công... tính ra, khi hoàn thành thi công công trình này, nhà thầu cầm chắc lỗ khoảng 20%.

Trở lại câu chuyện với Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Trung. Trước khó khăn về nguồn đất san lấp, ông Quân bày tỏ mong muốn, để gỡ khó một phần cho các doanh nghiệp xây dựng tại địa bàn, đề nghị UBND tỉnh và các cấp, ngành có thẩm quyền khẩn trương xem xét đưa vào quy hoạch, sớm hoàn thành thủ tục, cấp phép cho Hà Trung 3 – 4 điểm mỏ khai thác đất san lấp có trữ lượng dồi dào để phục vụ cho nhu cầu thực tế, nhất là phục vụ cho các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam qua huyện.

Như vậy, với thực tế trên, hơn lúc nào hết, cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, các doanh nghiệp ngành Xây dựng Thanh Hóa đang rất cần một liều “doping” đủ mạnh để có thể hồi sinh trong dịch bệnh. Được biết, trước khó khăn của các doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương đã rất quan tâm và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Tuy nhiên, qua thực tế từ phản ánh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng, nhiều chính sách, nhất là các gói cho vay ưu đãi vẫn chưa đến được nhiều với họ. Đáng buồn hơn, nhiều chủ doanh nghiệp dù rất muốn đề xuất, kiến nghị và bày tỏ nỗi niềm, nhưng lại ngại va chạm, sợ “mất lòng” nên không dám lên tiếng. Sự ngần ngại này phóng viên đã được hơn một lần cảm nhận mỗi khi điện thoại, liên hệ làm việc với các chủ doanh nghiệp, hầu hết họ đều tìm lý do thoái thác. Trong số đó, có người phóng viên đã từng gặp gỡ, đã hiểu nhau thì nói thẳng: “Mong anh thông cảm, nói ra lại bị hiểu lầm, đụng chạm, cho là hay kêu ca, bới móc. Không khéo vạ lây thì khổ”.

Rất mong với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tháo gỡ những “rào cản”, bất cập trong quá trình thực hiện đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành Xây dựng từng bước vượt qua khó khăn, thách thức .Qua đó, góp phần “tiếp sức” cho doanh nghiệp từng bước “hồi sinh” do hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.

Quang Thắng – Đào Nguyên