Khách sạn lớn ở thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) treo biển "Khách sạn tạm thời đóng cửa, không nhận khách"
Vượt qua rất nhiều khó khăn, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội ngành du lịch cả nước nói chung, du lịch Thanh Hóa nói riêng đang dần “hồi sinh” thì đại dịch Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp du lịch phải chịu tiếp một cú "đấm bồi". Lượng khách hủy tour lên đến 95% dịp cuối tháng 7 và tháng 8 (hai tháng cao điểm du lịch nội địa).
Dịch bệnh đang ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến các hoạt động dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, khu vui chơi giải trí, … đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành phải chịu áp lực rất lớn trong việc hoãn, hủy tour du lịch khi khách hàng đòi hoàn tiền nhưng đa phần các đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ đồng ý cho bảo lưu và chuyển dịch vụ vào thời điểm thích hợp. Khó khăn hơn nữa khi chính sách của các hãng hàng không rất chặt chẽ, hầu như không có sự hỗ trợ đối với các đường bay tới các địa phương chưa công bố là vùng dịch… Việc khách hàng đồng loạt huỷ toàn bộ tour gây khó khăn, thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Hơn nữa tâm lý phổ biến của khách là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch.
Trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa cũng như Hiệp hội Du lịch các tỉnh/Thành phố trong cả nước về việc hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong đàm phán, hủy, hoãn tour, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh (nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, khu vui chơi giải trí, …) xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ chia sẻ trong việc hoãn, hủy dịch vụ cho các đối tác là các đơn vị lữ hành, khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Việc hỗ trợ thông qua các hình thức như: Bảo lưu tour, bảo lưu dịch vụ nguyên giá đến thời điểm thích hợp, hoặc không phạt do hủy và hoàn trả chi phí nhằm thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và đối tác, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp.
Đối với các đơn vị khai thác và sử dụng dịch vụ ngoài tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đề nghị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ khách hàng để đàm phán, thương lượng đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho công ty và cho khách hàng khi phải hoãn, hủy dịch vụ cho dịch bệnh Covid-19. Trường hợp các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý hoãn, hủy dịch vụ tại các địa phương khác (trừ lĩnh vực hàng không do đã có đề xuất riêng), đề nghị doanh nghiệp phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trước ngày 18/8/2020 để tổng hợp, gửi các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khách du lịch.
Được biết, để cứu ngành du lịch vượt qua đại dịch, vừa qua Tổng Cục Du dịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch" với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, hàng không, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố.
Các ý kiến trong buổi Hội nghị cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác. Bên cạnh đó, cũng cần có sự thông cảm và chia sẻ của du khách như không đòi tiền ngay lập tức mà chuyển tour đến một địa điểm khác, một thời gian khác thích hợp. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch cũng cần được hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay để tạo đầu kéo giúp ngành du lịch hồi phục.
99 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm covid-19 nào trong cộng đồng, đến nay dịch bệnh trở lại, một lần nữa đẩy ngành du lịch vào nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp du lịch rất cần được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ của toàn xã hội.
Minh Hiền