Ngày 5/8, một thẩm phán Mỹ ra phán quyết khẳng định, Google đã vi phạm luật chống độc quyền khi chi hàng chục tỷ USD để xây dựng thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn cầu.
Đây là chiến thắng quan trọng đầu tiên của chính quyền liên bang nhằm vào sự thống trị thị trường của các “ông lớn” công nghệ (Big Tech).
Phán quyết trên mở đường cho phiên tòa thứ hai nhằm xác định các biện pháp khắc phục vi phạm, có khả năng bao gồm cả việc chia tách công ty mẹ Alphabet của Google - điều này sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.
Đây là kết quả của phiên tòa kéo dài 10 tuần, bắt đầu từ năm 2023 bắt nguồn từ vụ kiện năm 2020 do Bộ Tư pháp (DOJ) và một số tiểu bang đệ trình.
"Google là một công ty độc quyền và đã hành động để duy trì thế độc quyền của mình", trích phán quyết của thẩm phán liên bang. Cụ thể, gã khổng lồ tìm kiếm đã "vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman".
Với việc bị kết án, Google sẽ bị yêu cầu thay đổi cách thức hoạt động hoặc thậm chí phải bán một số bộ phận kinh doanh thuộc công ty.
Phía nguyên đơn đã cáo buộc Google có những hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm, chẳng hạn như trả cho Apple, Samsung và Mozilla hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Theo ước tính của DOJ, với cách thức này, Google đã dễ dàng chiếm 90% thị phần tìm kiếm trên website, và được coi là hưởng lợi về cả doanh thu và thu thập dữ liệu.
“Google nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi ngày thông qua các điểm truy cập mặc định đó. Họ thu thập khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ từ các tìm kiếm như vậy và sau đó sử dụng chúng để cải thiện chất lượng truy vấn”, thẩm phán liên bang cho hay.
Giai đoạn “khắc phục” có thể kéo dài, với việc nhiều khả năng Google kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài sang năm sau, thậm chí đến năm 2026.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland mô tả phán quyết này là “chiến thắng lịch sử đối với người dân Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh “không một công ty nào - dù tầm ảnh hưởng lớn đến đâu được đứng trên luật pháp”.
Jonathan Kanter, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết "quyết định mang tính bước ngoặt này buộc Google phải chịu trách nhiệm" và "mở đường cho sự đổi mới cho các thế hệ tương lai và bảo vệ quyền truy cập thông tin cho tất cả người Mỹ".
Kent Walker, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết, công ty sẽ kháng cáo. Phán quyết "công nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép dễ dàng cung cấp công cụ này".
Trong ngày 5/8, cổ phiếu của công ty mẹ Alphabet đã giảm 4,5% trong bối cảnh thị trường chứng khoán công nghệ nói chung đi xuống. Quảng cáo trên Google chiếm 77% tổng doanh thu của Alphabet trong năm 2023.
Hà Anh (T/h)