Hãng truyền thông công nghệ Inc24 của Ấn Độ vừa đăng tải thông tin cho biết Tata Group đã tiến gần đến việc mua lại nhà máy ở Karnataka của Wistron - một trong những đối tác sản xuất iPhone cho Apple.
Wistron là một trong ba nhà sản xuất iPhone của Đài Loan tại Ấn Độ, cùng với Foxconn và Pegatron.
Theo AppleInsider, nhà máy nói trên của Wistron được cho là sử dụng khoảng 10.000 công nhân và đang chịu trách nhiệm lắp ráp dòng iPhone 14 cho Apple. Khi nói về kế hoạch rút khỏi nhà máy trong tháng 5, một giám đốc điều hành giấu tên của Wistron cho biết rằng Apple đã khiến Wistron không thể có lãi.
Vị lãnh đạo này cho biết: "Wistron đã không thể kiếm được bất kỳ khoản tiền nào từ hoạt động kinh doanh của Apple ở Ấn Độ. Họ đã cố gắng đàm phán với Apple để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, nhưng là một công ty nhỏ hơn so với Foxconn và Pegatron trên toàn cầu, họ không có đòn bẩy cần thiết".
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khiến Wistron gặp khó trong hoạt động sản xuất iPhone cho Apple chính là việc nhà máy của họ đã bị Apple đưa vào diện quản chế sau khi chứng kiến các hành động từ Wistron đối với công nhân của họ và dẫn đến bạo loạn vào năm 2020. Wistron sau đó đã tổ chức lại bộ máy quản lý và đủ điều kiện để tiếp tục tham gia vào gói hỗ trợ trị giá 1 tỉ USD từ chính phủ Ấn Độ nhằm thúc đẩy sản xuất tại địa phương.
Tin tức về việc Wistron bán nhà máy ở Ấn Độ diễn ra không lâu sau khi Foxconn quyết định rút khỏi liên doanh trị giá 19,5 tỉ USD với Công ty Vedanta của quốc gia này.
Tuy nhiên, ngay cả khi Wistron có kế hoạch ngừng sản xuất iPhone ở Ấn Độ, các công ty Đài Loan khác vẫn sẽ tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone của họ. Apple, nhà sản xuất điện thoại thông minh có lợi nhuận cao nhất thế giới, đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch và những hạn chế nghiêm ngặt đã tàn phá hoạt động sản xuất của họ.
Với những bước đi của Tata Group sẽ khiến tập đoàn này trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên chịu trách nhiệm sản xuất iPhone cho Apple.
Việc ra mắt iPhone do Ấn Độ sản xuất sẽ giúp ích cho nỗ lực đa dạng hóa sản xuất của Apple ngoài Trung Quốc và thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở quốc gia Nam Á này. Trong ba tháng kết thúc vào ngày 30 tháng 6, Wistron đã xuất khẩu số iPhone trị giá gần 500 triệu USD từ Ấn Độ, trong khi các nhà cung cấp khác của Apple tại Đài Loan là Foxconn Technology Group và Pegatron Corp. cũng đã mở rộng hoạt động tại quốc gia này.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong sản xuất trong nước thông qua các chương trình của chính phủ đưa ra các ưu đãi tài chính hấp dẫn để thúc đẩy sản xuất và việc làm.
Khi vị thế công xưởng của thế giới của Trung Quốc đối mặt với những thách thức, việc một công ty Ấn Độ sản xuất iPhone có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của ông Modi nhằm định hình lại bối cảnh sản xuất toàn cầu. Nó cũng có thể khuyến khích các thương hiệu điện tử quốc tế khác xem xét sản xuất tại Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tập đoàn Tata có lịch sử 155 năm và hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ muối, Trà Tetley cho đến thép và ô tô Jaguar, đồng thời điều hành một hãng hàng không và chuỗi quán cà phê Starbucks ở Ấn Độ. Trong những năm gần đây, tập đoàn này đã đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực sản xuất điện tử và thương mại điện tử, cả hai lĩnh vực tương đối mới đối với gia đình Tata.
Trong vài năm qua, Chủ tịch Tata - Natarajan Chandrasekaran đã nỗ lực để tập đoàn tập trung vào công nghệ hơn với hàng loạt sáng kiến thương mại điện tử và một siêu ứng dụng mới có tên Tata Neu. Ông Chandrasekaran cho biết vào năm ngoái, tập đoàn này cũng chuẩn bị tham gia sản xuất chip.
Phương Hà (t/h)