Sự thật thì, tệ nạn “phong bì” từ lâu đã tồn tại, nhiễu nhương, ai cũng biết đến, nhưng dường như không có giải pháp xử lý dứt điểm. Một thực trạng xã hội vật chất, đề cao những tư lợi cá nhân trong giao tiếp và công vụ từ lâu không còn là chuyện lạ, chuyện ẩn giấu, khó nói nữa. Những câu chuyện về cảnh sát mãi lộ nhận phong bì, những kỳ thi sửa điểm vì phong bì, những phiên tòa xử oan vì phong bì, rồi mới đây là những nhà sư vào vai khất thực lấy phong bì… hiện diện nhan nhản khắp nơi.
Cho nên, sự việc logo Bộ Y tế bị cải sửa, được nhiều người nhìn nhận là… thỏa đáng. Cái nhìn này có vẻ phiến diện, nhưng từ những vụ việc kít xét nghiệm y tế mới đây, rồi những lãnh đạo của Bộ Y tế phải lâm vào lao lý, người ta đương nhiên đánh giá lĩnh vực y tế là có nhiều tiêu cực. Hình ảnh con rắn trong y khoa bị vẽ lại, thành ngậm phong bì, chắc chắn không phải là ý tưởng ngẫu nhiên, mà thậm chí đây là một sự cân nhắc rất kỹ, một hành động đả kích rất mạnh dạn vào thực trạng hoạt động bị nhiều tác động lâu nay từ tệ nạn “phong bì”.
Do đó, yêu cầu của Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ người nào là tác giả cải biên logo, đang bị dư luận nhìn nhận là thiếu thiện chí và không đáp trả đúng trọng tâm vấn đề xã hội quan tâm. Ấy là, phải làm sao làm rõ các động cơ, hành vi nhận phong bì trong ngành y tế, làm sạch bộ máy y tế khỏi tệ nạn phong bì, chứ không phải đi xử lý, trừng phạt người có ý tưởng sửa logo.
Theo nhiều người nhìn nhận, nếu không làm nghiêm vấn đề từ gốc rễ là tệ nạn phong bì trong bộ máy công quyền, thì chắc chắn, sau logo Bộ Y tế bị sửa thành con rắn ngậm phong bì, rồi sẽ đến lượt những giáo án lót phong bì, búa tòa gõ phong bì, thanh tra kẹp phong bì…, rồi cả ngòi bút báo chí vẽ phong bì. Cả xã hội cần phải đối diện câu hỏi, làm sao chấm dứt tệ nạn phong bì, bằng các giải pháp, hành động quyết liệt tận căn cơ, chứ không phải chạy theo xử lý vụ việc, và nhất là, xử lý những người nêu ra vấn đề.
Phải thấy rằng, sửa logo Bộ Y tế là việc làm có tính toán, trực tiếp tấn công vào một địa hạt kín kẽ lâu nay, một tệ nạn xã hội đã tồn tại lâu nay. Không thể đơn thuần coi người nêu ra vấn đề là nghi phạm có hành vi sai trái này kia. Ngược lại, phải chăng nên có sự cảnh tỉnh, bởi những sự việc được nêu ra như vậy, toàn xã hội mới nhận chân được vấn đề chúng ta cần đối mặt là gì. Và “lò củi” kiên định đấu tranh của đất nước, qua đây sẽ thu được thêm nhiều kết quả tích cực.
Nguyên Đức