Đây là nội dung cần phải được các doanh nghiệp coi trọng để có đủ tiềm lực cạnh tranh và phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu của kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt với bối cảnh dịch Covid - 19 vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy: Những doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN, cải tiến phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới lại là những doanh nghiệp ít bị tổn thương nhất, đó là các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, sản xuất các sản phẩm sinh học, các loại vacxin như Pfizer hoặc Astrazeneca, khẩu trang y tế,… Thống kê Top 10 tỷ phú giàu nhất trên thế giới năm 2021 của Bloomberg (Bloomberge Billionaires Index) cho thấy, hầu hết những tỷ phú này là lãnh đạo các doanh nghiệp đi đầu về công nghệ như Elon Musk người đang nỗ lực cách mạng hóa giao thông vận tải trên Trái đất, thông qua nhà sản xuất ô tô điện Tesla – và trong không gian, thông qua nhà sản xuất tên lửa SpaceX; hay Jeff Bezos – ông chủ Amazon, Bill Gates người sáng lập Microsoft…
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để chủ động đầu tư, phát triển KHCN tại doanh nghiệp. Tham luận tại hội thảo vấn đề này, Th.S Nguyễn Hồng Hạnh -Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS cho rằng, có 5 nguyên nhân chủ yếu:
- Một số quy định về mức hỗ trợ, thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khi áp dụng cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân còn phức tạp, khó thanh quyết toán nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với nguồn quỹ này.
- Phần lớn các doanh nghiệp chỉ sử dụng Quỹ dành cho KHCN để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu mà chưa thể sử dụng Quỹ này để đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất của chính doanh nghiệp, trong khi đây là vần đề cốt lõi để DN đổi mới sáng tạo, chủ động đầu tư KHCN để phát triển sản xuất - kinh doanh.
- Việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng để đổi mới công nghệ là rất khó khăn đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiêp do quy định bắt buộc về điều kiện tài sản bảo đảm đầu tư. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư, đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật.
- Về phía các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy: Phần lớn chưa dễ chấp nhận sự rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp,
- Chưa tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các Viện, trường đại học và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ nên chưa thu hút được nguồn chất xám cùng tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại doanh nghiệp, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước khi doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm của KHCN do doanh nghiệp sản xuất.
Sớm nắm bắt được ý nghĩa của sự chuyển dịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang kỷ nguyên công nghệ, Tập đoàn GFS với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư các dự án Bất động sản cùng các thành tựu Nghiên cứu khoa học đã đạt được, ngoài những giải pháp được áp dụng phổ biến, đã cùng đơn vị thành viên chủ lực là Viện Công nghệ GFS (trực thuộc VUSTA) quy tụ, hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực (Công nghệ xây dựng; Nông nghiệp hữu cơ và thủy sản công nghệ cao; Công nghệ sinh học…). Viện Công nghệ GFS đã và đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác.
Hiện Viện công nghệ GFS đã và đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ xây dựng của Tập đoàn GFS, như:
Nghiên cứu sử dụng tro bay thải từ nhà máy nhiệt điện để sản xuất tấm Panel sàn và tường phục vụ nhu cầu xây dựng nhà lắp ghép theo công nghệ mới.
Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu và phối hợp với đối tác chiến lược, sản xuất thành công tấm panel sàn, panel tường bê tông AAC sử dụng 70% là tro bay đã tuyển nổi từ tro xỉ xả thải của nhà máy Nhiệt điện thay cho nguyên liệu cát nghiền.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Đức (DIN EN 12602:2016), với một số ưu điểm nổi bật: Trọng lượng nhẹ (700 kg/m3); chịu tải cao (1.000 kg/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, có thể giảm ~ 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000 m2 sàn/ năm, đáp ứng tốt các yêu cầu công nghệ xây dựng các công trình nhà ở dân dụng và nhà công nghiệp.
Ứng dụng công nghệ tiền chế để xây dựng khu một số khu Thiết chế công đoàn và nhà xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Công nghệ xây dựng trên thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, hiện đại với diện tích xây dựng rất lớn chỉ trong vài ngày, vài tuần tại Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc,... bằng công nghệ lắp ghép các cấu kiện bê tông đúc sẵn, các Module đã hoàn thiện ở quy mô công nghiệp đã là hiện thực và giờ đây ngành xây dựng Việt Nam không thể đứng ngoài “sân chơi” này.
Tập đoàn GFS đã phối hợp với trường Đại học Thủy Lợi nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại cấu kiện bằng vật liệu mới đạt tiêu chuẩn chất lượng trong xây dựng nhà tiền chế.
Tập đoàn GFS sẽ sử dụng công nghệ tiền chế với tấm panel sàn, panel tường sản xuất từ 70% tro bay nhà máy nhiệt điện để xây dựng các nhà ở cao tầng chất lượng cao, đảm bảo thẩm mỹ và giá thành cạnh tranh tại các Khu thiết chế Công đoàn tại: Hưng Yên, Nam Định và Khánh Hòa với quy mô 2.500 – 4.000 công nhân/ khu thiết chế. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng chi phí xây dựng có thể giảm đến 20% do rút ngắn được khoảng 20-25% thời gian thi công, đồng thời giảm được 35-40% số lượng công nhân và bụi thi công tại hiện trường.
Sản xuất cấu kiện chắn sóng làm bằng bê tông Geopolymer (Bê tông xanh không sử dụng xi măng).
Năm 2021, Tập đoàn GFS đã nghiên cứu và sản xuất thành công cấu kiện chắn sóng bằng bê tông Geopolymer từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện, không dùng xi măng, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đủ điều kiện thay thế cấu kiện bê tông xi măng, cát, sỏi hiện nay.
Ngoài lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Tập đoàn GFS cũng là một trong các đơn vị tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn biến “Việt Nam sẽ là vườn dược liệu của thế giới” cùng những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị, bền vững và đặc sắc. Với mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.
Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Một số đề xuất của Tập đoàn GFS với VUSTA và VIFOTEC
1.VUSTA đã và đang là nơi hội tụ nhiều chuyên gia KHCN hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đây là nguồn tiềm lực KHCN rất qúy rất cần được VUSTA tập hợp trong một “Ngân hàng Chuyên gia quốc gia” để giới thiệu, kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để phát triển sản xuất - kinh doanh.
2.Với vai trò, trách nhiệm tư vấn, phản biện độc lập, VUSTA có thể chủ động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách về đầu tư, ứng dụng và phát triển KHCN trong doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân), giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn khi quyết định đầu tư KHCN, đổi mới sáng tạo, chủ động sản xuất được các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao, và khi đó giải thưởng VIFOTEC sẽ mãi là niềm tự hào của khoa học- công nghệ Việt Nam.
PV