Đây là danh sách do Forbes Việt Nam công bố dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của công ty đang niêm yết tại Sở giao dịch TP Hồ Chí Minh (HSX) và Sở giao dịch Hà Nội (HNX). Tiêu chí được lựa chọn công ty tốt nhất phải đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng.
Kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 - 2022; mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành… Cuối cùng, vốn hóa được chốt vào ngày 30/5/2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, danh sách năm 2023 không có nhiều tên tuổi mới so với danh sách những năm gần đây. Nguyên nhân, đà suy giảm của thị trường chứng khoán và việc gọi vốn quốc tế khó khăn là lý do thiếu vắng những thương vụ IPO, niêm yết tầm cỡ. Dù vậy, điểm sáng là năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất nói riêng đạt kỷ lục.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỷ đồng, tăng 24,9%. Quán quân doanh thu như thường lệ thuộc về Petrolimex, nhưng vị trí số 1 lợi nhuận thuộc về Vietcombank.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện danh sách, Forbes Việt Nam ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo thanh khoản trên thị trường sơ cấp gần như mất hút nhiều tháng qua. Trong khi đó, bất động sản là ngành kinh tế quan trọng có tác động đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác như nguyên vật liệu, hạ tầng, xây dựng, công nghiệp chế tạo, du lịch lưu trú và đặc biệt hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản ở trạng thái không khỏe mạnh đã ảnh hưởng đến thị trường vốn, gồm cả thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng.
T.H