Những “góc khuất” trước khi Luật Đấu thầu được sửa đổi…
Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã tiến hành thực hiện chuyên đề “Năng lực của nhà thầu trong hoạt động đấu thầu” để giải mã thực trạng bất thường nêu trên. Trước khi trình bày vấn đề này, người viết xin nhắc lại Luật Đấu thầu năm 2023 được Quốc hội thông qua việc bổ sung, sửa đổi đã mang lại kết quả: “có nhiều điểm tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn so với Luật Đấu thầu năm 2013”.
Trong đó, đáng lưu ý nhất: Các trường hợp hủy thầu được quy định cụ thể tại Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 so với Điều 17 Luật Đấu thầu 2013 có những “bổ sung” được xem là chi tiết hơn, cụ thể hơn. Một số chuyên gia nhận định: “sau 10 năm Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung lại càng thêm hoàn chỉnh”. Điều này góp phần vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng “thông thầu, bao thầu” hoặc “gian lận” trong hoạt động đấu thầu…
Trước khi Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung năm 2023, thì trước đó, các năm: “2021, 2022, 2023”…Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập cũng đã thực hiện chuyên đề: “Năng lực của nhà thầu trong hoạt động đấu thầu” thông qua việc gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để làm rõ năng lực của nhà thầu khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc...
Việc làm này giúp người viết có cơ sở, dữ liệu để tổng kết, phân tích, đánh giá sự việc được toàn diện hơn ở nhiều mặt, nhiều khía cạnh của vấn đề theo đúng tiêu chí của một bài viết khoa học. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, cũng như làm rõ nguyên nhân: Vì sao một số các nhà thầu bộc lộ dấu hiệu bất thường về năng lực nhưng vẫn được phê duyệt trúng thầu…(!)…
Đi tìm lời giải cho câu hỏi nêu trên, riêng năm 2022, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập đã đăng tải liên tục 09 bài viết về tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu bất thường trong hoạt động đấu thầu ở một số tỉnh/ thành sau khi đã có đầy đủ cơ sở, dữ liệu thông qua việc phản hồi từ phía các cơ quan chức năng. Trong số đó, tiêu biểu, phải kể đến bài viết: “Lâm Đồng: Nhà thầu có 05 nhân sự nhưng trúng gói thầu 34 nhân sự?”.
Sự việc khá buồn cười nhưng lại là sự thật khi Công ty TNHH Duy Hà Gold chỉ có 05 nhân sự nhưng Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng vẫn ký cho đơn vị này trúng gói thầu yêu cầu 34 nhân sự. Đó là gói thầu do ông Nguyễn Thanh Chương- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng ký văn bản phê duyệt ngày 05/10/2021 cho Công ty TNHH Duy Hà Gold trúng thầu với giá 12.638.227.050 đồng. Chi tiết nhân sự chủ chốt yêu cầu tại gói thầu này gồm: (01 chỉ huy trưởng; 02 Kỹ thuật hiện trường; 01 Kỹ thuật kiểm tra chất lượng KCS; 30 công nhân)…
Bằng chứng khẳng định việc nhà thầu không đáp ứng đủ số lượng nhận sự theo quy định của gói thầu thông qua văn bản xác nhận của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, ngày 31/12/2021 Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số: 2220/BHXH-QLT gửi đến Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm của Công ty TNHH Duy Hà Gold từ tháng 04/2021 đến tháng 12/2021 chỉ đóng cho 05 lao động. Thậm chí, tính đến hết ngày 30/12/2021, Công ty TNHH Duy Hà Gold còn nợ tiền đóng bảo hiểm cho người lao động là 12.756.927 đồng.
Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi bổ sung năm 2023. |
Trước khi Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung năm 2023, thì trước đó, theo Báo cáo đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý, cho thấy: Trong 06 tháng đầu năm 2021, cả nước có 687 nhà thầu tham gia thực hiện các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý. Trong đó, có 17 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
Điển hình trong số đó có Tổng Công ty Cổ phần Lũng Lô và Công ty Cổ phần Sông Đà 5 bị nhắc nhở, chấn chỉnh trong thực hiện Gói thầu số 26: Thi công xây lắp cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Hồ chứa nước sông Chò 1 (tỉnh Khánh Hoà). Tại Gói thầu số 26, Công ty Cổ phần Sông Đà 5 thực hiện phần công việc có giá trị 307,48 tỷ đồng; Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Lũng Lô thực hiện phần công việc có giá trị 170,52 tỷ đồng. Cả 2 nhà thầu đều không đáp ứng yêu cầu về thiết bị thi công…
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung dấu hiệu “bất thường” vẫn xảy ra…
Các trường hợp huỷ thầu của Luật Đấu thầu năm 2013 được đề ra đã khá chi tiết nhưng phải đến khi sửa đổi, bổ sung, Luật Đấu thầu năm 2023” mới “được phân chia rõ ràng cho đối tượng lựa chọn nhà thầu và lựa chọn đầu tư”…
Cụ thể: Đối với các trường hợp hủy thầu của Luật Đấu thầu 2023 có chia thành 02 đối tượng gồm “nhà thầu” và “nhà đầu tư”. Trong đó, các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn “nhà thầu” có ghi rõ: “Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu …” thì sẽ bị huỷ thầu…
Mặc dù Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung có phần “siết chặt” hơn rất nhiều so với trước đây nhưng lạ thay vẫn có những doanh nghiệp được phê duyệt trúng thầu dù bộc lộ dấu hiệu “bất thường” về năng lực. Phải chăng, khâu kê khai năng lực trong HSDT của nhà thầu và khâu thẩm định, đánh giá HSDT của đơn vị chấm thầu thực hiện lỏng lẻo hay còn có “khuất tất” nào đằng sau đó (?)...
Ngày 04/08/2023, Ban QLDA giao thông tỉnh Lâm Đồng ký Quyết định phê duyệt Công ty TNHH Hưng Nguyên trúng thầu với vai trò liên danh tại Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành. Giá trúng thầu: 213.440.993.478 đồng, thời gian thực hiện 500 ngày.
Ngày 02/07/2024, Ban QLDA ĐTXD&CTCC huyện Di Linh ký văn bản phê duyệt Công ty TNHH Hưng Nguyên trúng Gói thầu số 12: Thi công xây dựng hạng mục bổ sung thuộc Dự án Nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hoà đi Tân Lâm và đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh, huyện Di Linh. Giá trúng thầu: 16.905.740.578 đồng. Thời gian thực hiện 06 tháng.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hưng Nguyên còn được Ban QLDA Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đà Lạt phê duyệt 02 gói thầu gồm: Gói thầu số 04: Thi công xây dựng công trình Thảm nhựa các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Ánh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Trỗi, TP. Đà Lạt phê duyệt ngày 20/05/2024 với giá trúng thầu: 15.773.022.256 đồng và Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình Nâng cấp, mở rộng đường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt phê duyệt ngày 25/06/2024 với giá trúng thầu: 71.936.009.861 đồng. Thời gian thực hiện 470 ngày.
Luật Đấu thầu quy định: Đối với các gói thầu có thời gian thi công trùng nhau thì nhà thầu không được phép sử dụng nhân sự đã kê khai cho gói thầu này để kê khai cho gói thầu khác. Trường hợp nhà thầu kê khai trùng lặp nhân sự giữa các gói thầu thì bị xem là gian lận trong hoạt động đấu thầu và có thể sẽ bị cấm thầu từ 3 đến 5 năm…
Tuy nhiên, Công ty TNHH Hưng Nguyên đang có dấu hiệu “bỏ qua” những quy định của Luật Đấu thầu khi kê khai trùng lặp nhân sự giữa các gói thầu, cụ thể: Nhân sự Nguyễn Minh Đức: Trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng Cầu Đường đang được Công ty TNHH Hưng Nguyên kê khai cho Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành nhưng sau đó nhân sự Nguyễn Minh Đức lại được Công ty TNHH Hưng Nguyên tiếp tục kê khai làm Chỉ huy trưởng công trình cho Gói thầu số 12: Thi công xây dựng hạng mục bổ sung thuộc Dự án mua sắm Nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hoà đi Tân Lâm và đường vành đai phía đông thị trấn Di Linh, huyện Di Linh.
Ngoài ra, nhân sự Nguyễn Bảo Tuấn – trình độ chuyên môn kỹ sư xây dựng Cầu đường đang được kê khai cho Gói thầu số 7: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành nhưng sau đó lại tiếp tục được nhà thầu kê khai cho Gói thầu số 05: Thi công xây dựng sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước P’Róh, huyện Đơn Dương và hồ chứa nước Đinh Trang Thượng 2, huyện Di Linh.
Đây chỉ là một trong số các vấn đề được người viết trích trong công văn mà Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã gửi đến Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Lâm Đồng và Công ty TNHH Hưng Nguyên để làm rõ. Tuy nhiên, Công ty TNHH Hưng Nguyên không hề có văn bản phản hồi, còn phía Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Lâm Đồng chỉ có văn bản với nội dung hướng dẫn Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập gửi công văn sang UBND tỉnh Lâm Đồng để được làm rõ…
Ảnh minh hoạ thi công công trình. |
Không chỉ riêng đối với các gói thầu trong lĩnh vực thi công xây dựng, một số gói thầu trong ngành điện lực cũng bộc lộ dấu hiệu bất thường trong việc kê khai năng lực tài chính của nhà thầu trong HSDT. Cụ thể, gần đây, Công ty TNHH Thương mại Mỹ Phương được phê duyệt trúng 02 gói thầu, gồm: Gói thầu 11: Nâng cấp phần mềm SCADA được Công ty Điện lực Kon Tum phê duyệt ngày 09/5/2024 với giá trúng thầu 4.540.000.000 đồng và Gói thầu 17: Cung cấp phần mềm SCADA/DSM cho trung tâm điều khiển PYPC – Mua sắm VTTB phục vụ kế hoạch ĐTXD năm 2024 được Công ty Điện lực Phú Yên phê duyệt ngày 17/6/2024 với giá trúng thầu 4.180.000.000 đồng.
Theo yêu cầu của HSMT có ghi rõ: Nhà thầu phải kê khai doanh thu bình quân của 03 năm liên tiếp. 02 gói thầu nêu trên đều trúng thầu trong thời gian giữa năm 2024, thì đồng nghĩa với việc nhà thầu Mỹ Phương phải kê khai doanh thu bình quân của 03 năm liên tiếp, gồm các năm “2021; 2022; 2023”. Tuy nhiên, tại số liệu kê khai doanh thu bình quân hàng năm của nhà thầu Mỹ Phương trong HSDT lại hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, Gói thầu 11 kê khai doanh thu bình quân là 201.916.721.280 đồng, còn Gói thầu 17 kê khai doanh thu bình quân là 190.294.276.167 đồng.
Giải thích về số liệu doanh thu bình quân hàng năm của 02 gói thầu nêu trên được nhà thầu Mỹ Phương kê khai với hai số liệu khác nhau, ngày 15/08/2024, Tổng công ty Điện lực Miền Trung đã ký văn bản số: 544/EVNCPV-TT+QLĐT gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập nêu rõ, số liệu doanh thu bình quân hàng năm của Gói thầu 11 thì năng lực tài chính của nhà thầu được đánh giá qua các năm “2020; 2021; 2022”, còn Gói thầu 17 thì năm lực tài chính của nhà thầu được đánh giá qua các năm “2021; 2022; 2023”...
Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản phản hồi một chiều từ Tổng công ty Điện lực Miền Trung đến Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập chứ không kề có hồ sơ, tài liệu kèm theo để chứng minh số liệu thực tế về năng lực tài chính của nhà thầu qua các năm...