Tăng trưởng tín dụng dần cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp trong 10 năm qua

15:19 19/06/2024

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cầu tín dụng trong nước chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành kinh tế chủ chốt vẫn còn gặp khó khăn, và một số khách hàng chưa có kế hoạch kinh doanh khả thi hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Sáng 19/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành nhằm thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Tại hội nghị, số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến ngày 14/6/2024 đạt 3,79% so với cuối năm 2023, dù tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện qua các tháng nhưng vẫn nằm trong mức thấp nhất của 10 năm qua.

Dữ liệu từ năm 2014 đến 2024 cho thấy, nhiều năm có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong nửa đầu năm như 2014 (3,72%), 2020 (3,65%), 2023 (4,71%), và 2024 (3,79%). Ngược lại, các năm như 2022 (9,44%), 2021 (6,44%), 2019 (7,36%), 2018 (7,86%), 2017 (9,01%), 2016 (8,21%), và 2015 (7,86%) ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn.

Tăng trưởng tín dụng dần cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp trong 10 năm qua
Tăng trưởng tín dụng dần cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp trong 10 năm qua.

Đơn cử như gói tín dụng lâm sản, thủy sản, quy mô gói được nâng lên thành 30.000 tỉ đồng. Cơ quan đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỉ đồng nhà ở xã hội theo hướng đưa ra nhiều ưu đãi hơn. Bên cạnh đó là tổ chức hội nghị kết nối với địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng dễ dàng.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở một số địa phương còn thấp. Thậm chí, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, hoặc tăng trưởng âm. Cả nước vẫn còn 23 tỉnh có tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh có tăng trưởng không quá 2%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, điều này phản ánh cầu tín dụng trong nước chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành kinh tế chủ chốt vẫn còn gặp khó khăn, và một số khách hàng chưa có kế hoạch kinh doanh khả thi hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Cập nhật báo cáo tài chính quý 1/2024 của các ngân hàng niêm yết cho thấy 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm, bao gồm Vietcombank (-0,3%), SHB (-0,7%), SaigonBank (-1,1%), VietCapitalBank (-1,2%), PGBank (-1,8%), TPBank (-3,3%), và đặc biệt là Ngân hàng An Bình với mức giảm mạnh nhất (-19,3%).

Một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong quý 1, như BIDV chỉ đạt 0,9% và MBB đạt 0,4%. Hầu hết các ngân hàng còn lại ghi nhận tăng trưởng tín dụng từ 2% đến 5% trong quý 1/2024.

Động lực tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Các ngân hàng tư nhân với tỷ trọng cho vay bất động sản và xây dựng cao có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành, như LPB (11,7%), Techcombank (7,1%), và HDBank (6,2%).

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trong nửa đầu năm vẫn yếu do sự phục hồi chậm của nền kinh tế và thị trường bất động sản, thu nhập và khả năng trả nợ của người dân chưa cải thiện nhiều, cùng với việc lượng lớn tín dụng đã được giải ngân nhanh chóng vào cuối năm 2023.

P.V (t/h)