Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,2%

17:39 15/07/2021

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 8 thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 6,2%.

Báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản. Trong Kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế (GDP) của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. 

  Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,2%..

Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo Kịch bản 1, và 6,2% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong Kịch bản 1 và tăng 18,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020. Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngay tại thời điểm này, chúng ta còn đang theo dõi số ca mắc Covid-19 hàng ngày, hàng giờ, với nhiều quan ngại. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như (i) khả năng kiểm soát dịch; (ii) tiến độ giải ngân đầu tư công; (iii) bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; (iv) hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; (v) khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới; và (vi) bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.

Báo cáo đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích. Báo cáo cũng đề xuất chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu kinh tế, nhấn mạnh đến hạ tầng (cả cứng và mềm) đối với các địa phương tiếp nhận lao động di cư và cả địa phương có lao động xuất cư.

PV