Năm 2009, Derek Morrison đứng trong một cửa hàng ở sân bay và cân nhắc chi 960 đô la cho một đôi giày thể thao Louis Vuitton x Kanye West được làm thủ công từ da lộn. Cuối cùng anh quyết định không mua vì cảm thấy giá quá cao. Hơn một thập kỷ sau, đôi giày này được rao bán trực tuyến với giá 10 nghìn đô la. Morrison, hiện là Giám đốc cấp cao khu vực châu Âu của nền tảng bán lại giày thể thao, StockX cho biết: “Tôi đã rất hối hận về điều đó”.
Ra mắt chỉ vài tháng trước khi West chào sân dòng giày Nike x Yeezy, phiên bản sneaker hợp tác với Louis Vuitton đã trở thành một phần lịch sử của làng thời trang. Morrison nhận xét: “Đây là cuộc hội tụ của giày thể thao, sự kết hợp giữa Kanye West và hãng thời trang cao cấp đã gây nhiều tranh cãi vào thời điểm đó, tuy nhiên đây lại là một dấu ấn quan trọng trong ngành” và mô tả “bước đột phá mở đường cho kỷ nguyên hiện đại mà chúng ta thấy ngày nay”.
Sưu tập giày thể thao ngày càng phát triển và dần trở thành “mỏ vàng” mới. Kỷ lục đấu giá cho giày thể thao đã bị phá vỡ nhiều lần kể từ năm 2017. Đôi Converse có chữ ký của siêu sao Michael Jordan được bán với giá 190 nghìn đô la; đôi Nike Air tương tự định giá 615 nghìn đô vào năm 2020. Kế đó, một sáng tạo khác của Kanye West (nguyên mẫu Nike x Yeezy) đã đi trong lễ trao giải Grammy 2008 đã trở thành đôi giày thể thao đắt nhất lịch sử với giá 1,8 triệu đô la.
Theo Caitlin Donovan, trưởng bộ phận túi xách, thời trang dạo phố và giày thể thao tại nhà đấu giá Christie's, trong vòng 5 năm qua đã có một sự bùng nổ lớn trong giới khi hàng loạt các nhà sưu tập chi tiền khủng “săn” những đôi giày quý hiếm. Cũng trong phiên đấu giá gần đây cho các dòng Jordan của Nike, một đôi Air Jordan High 1s được bán với giá 27,500 đô la Mỹ. Donovan từ sàn đấu giá Stadium Goods cho hay: “Cuộc đấu giá này đánh dấu sự xuất hiện của một số đôi giày mang tính biểu tượng lịch sử thời trang và văn hóa đại chúng chính thống”.
Một bộ sưu tập xa xỉ
Giá bán tăng cao càng phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường giày thể thao bán lại thứ cấp mà StockX hiện ước tính trị giá 10 tỷ đô la. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên gần 30 tỷ vào năm 2030 khi các nhà sưu tập đầu tư vào phiên bản giới hạn với mục đích trưng bày như tài sản quý giá. Ligaya Salazar, người phụ trách cuộc triển lãm mới do StockX tài trợ chỉ ra “chính những người trẻ, phần lớn đến từ các khu vực nội thành đã tạo ra đế chế của những đôi giày thể thao như ngày nay”. Cô nói thêm rằng những người hâm mộ giày thể thao có tác động lớn đến ngành công nghiệp.
Đồng thời, văn hóa sneaker cũng gắn bó sâu sắc với văn hóa thể thao, đặc biệt là sau khi ra mắt đôi giày thể thao Air Jordan năm 1985 của Michael Jordan, được Donovan gọi là “đôi giày thể thao đầu tiên và đáng sưu tập nhất” bởi “những đôi giày thể thao mang tính biểu tượng của thời kỳ đầu Jordan đã dần dần thấm nhuần văn hóa đại chúng, tạo ra một loạt các nhà sưu tập mới: những người đầu tư giày thể thao”. Nhà sưu tập giày thể thao Ann Jacobe, người sở hữu khoảng 500 đôi giày cho biết, cô hoan nghênh sự quan tâm mới từ các nhà đầu tư và nhà đấu giá xa xỉ. Nhà sưu tập Filipina đã chi không đếm xuể để săn lùng các mẫu giày giá trị nhất và “coi giày như một tác phẩm nghệ thuật”.
Trong khi một số nhà sưu tầm chỉ đơn thuần thực hiện một khoản đầu tư, số khác lại mong muốn sở hữu cả một câu chuyện và phong cách sống đằng sau đó. Morrison chia sẻ: “Mọi người có xu hướng cống hiến hết mình cho các giá trị, câu chuyện hay chủ đề vượt lên trên các thương hiệu riêng lẻ”, đồng thời nói thêm rằng “giày thể thao có thể kết nối với thương hiệu, con người và những khoảnh khắc văn hóa”.
Nếu Air Jordans là một trong những đôi giày thể thao phổ biến nhất trên thị trường thì đằng sau chúng cũng hàm chưa những câu chuyện nổi tiếng nhất. Thiết kế này vốn phải tuân theo “quy tắc 51%” của NBA với tông trắng là chủ đạo. Tuy nhiên ngôi sao bóng rổ Jordan đã đi một đôi đỏ đen trong trận đấu trước mùa giải, đánh dấu bước ngoặt vượt lên trên quy chuẩn đại diện cho một thời điểm văn hóa. Nhận thức rõ ràng sức mạnh văn hóa của giày thể thao, kể từ đó Nike hợp tác với các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Dior và Sacai, những người nổi tiếng như Travis Scott và các thương hiệu như Ben & Jerry's. Sneaker theo chủ đề Marvel Avengers của Adidas cho đến sự hấp dẫn của Balenciaga kí kết với PlayStation lần lượt ra đời.
Một khoản đầu tư xa xỉ
Tất nhiên, không phải tất cả các nhà sưu tập đều được thúc đẩy bởi đam mê. Đối với nghệ thuật và tài sản, sneaker đại diện cho một khoản đầu tư và cách đa dạng hóa tài sản. Donovan cho hay: “Phiên bản giới hạn hay các phong cách cổ điện luôn là đỉnh cao của thị trường sưu tập hàng xa xỉ. Các nhà sưu tập thường tìm kiếm những tác phẩm như vậy”.
Sở hữu các thiết kế hot nhất trở thành một công việc kinh doanh chính thống. Những người sưu tập có thể xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng mỗi khi tung mẫu mới. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ công nghệ, phần mềm mua hàng tự động đã được áp dụng để “săn” nhanh hơn. Nếu làm đúng chiến thuật “săn hàng” và bán lại, người chơi có thể kiếm được cả một gia tài. StockX cho biết Jordan 1 Retro High Dior là phiên bản giày sneaker đắt nhất năm 2020 được bán với giá 2.000 đô la nhưng kiếm được 11 nghìn đô la trực tuyến thông qua một cuộc đấu giá của Sotheby. Chỉ có 8500 đôi giày được sản xuất chào mừng kỷ niệm 35 năm của Air Jordan đã tạo nên bộ ba hoàn hảo của hàng xa xỉ: hiếm có, hợp tác đỉnh cao và mốc thời gian lịch sử”. Giá thầu cao nhất hiện nay cho một đôi giày trên StockX là hơn 12 nghìn đô la Mỹ.
Morrison nhấn mạnh: “Có nhiều yếu tố khiến giá thành của một đôi giày trở nên đắt đỏ hơn là chính bản thân nó, chẳng hạn như độ hiếm có, được người nổi tiếng sử dụng hay hợp tác đình đám. Nhưng nói chung, giá giày cũng sẽ phụ thuộc vào cung và cầu. Càng ít hàng sẵn thì sản phẩm càng hấp dẫn”. Bất kể các nhà sưu tập giày tìm mua vì mục đích nào đi chăng nữa, tất cả đều đang tìm kiếm những đôi sneaker nói lên văn hóa thời đại. “Giày thể thao không chỉ đơn thuần là thứ đi vào chân mà còn có vai trò thể hiện bản thân của chủ sở hữu”, Morrison tâm niệm.
TL