SSI đưa ra dự báo lợi nhuận của 10 ngân hàng lớn tại Việt Nam

15:19 11/07/2023

SSI đã đưa ra dự báo về lợi nhuận quý II của 10 ngân hàng lớn tại Việt Nam, căn cứ trên những thông tin chi tiết về tình hình hoạt động những tháng qua của ngân hàng.

Theo báo cáo công bố gần đây của Công ty Chứng khoán SSI, dự báo lợi nhuận quý II của một số ngân hàng và hơn 10 ngân hàng niêm yết, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các ngân hàng trong nhóm này.

Đối với nhóm ngân hàng doanh nghiệp quốc doanh, chuyên gia dự báo rằng lợi nhuận của các ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II.

Vietcombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng
Vietcombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng.

Cụ thể, theo SSI Research, Vietcombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt khoảng 3% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động duy trì ổn định với mức tăng 6% so với đầu năm. Chất lượng tài sản được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì.

Đối với BIDV, chuyên gia phân tích dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 dự kiến lần lượt đạt khoảng 6,9% và 4,5% so với đầu năm. Chất lượng tài sản dự báo được kiểm soát ở mức 1,4-1,5% và NIM có thể duy trì ở mức tương đương với quý trước, mặc dù vẫn thấp hơn so với quý II/2022.

Đối với VietinBank, mức lợi nhuận dự kiến sẽ là khoảng 6.200 - 6.500 tỷ đồng, tăng 7 - 13% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 6,6% và 4,9% so với đầu năm.

Trong nhóm các ngân hàng cổ phần lớn, lợi nhuận được dự báo có sự phân hóa rõ rệt. SSI dự báo HDBank, Sacombank và VIB sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận; lợi nhuận của MB dự kiến đi ngang, trong khi lợi nhuận của ACB, Techcombank và TPBank có khả năng giảm.

Đối với HDBank, SSI dự kiến ngân hàng này sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm vào cuối quý II. Cùng với việc duy trì mức lãi suất huy động cao hơn so với các ngân hàng tư nhân khác, tăng trưởng huy động dự kiến sẽ cao hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng. Lợi nhuận trước thuế quý II dự kiến đạt khoảng 2.800 - 3.100 tỷ đồng, tăng khoảng 1% - 12% so với cùng kỳ.

Đối với Sacombank, SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II nhờ NIM trở về mức bình thường và tăng trưởng tín dụng đạt mức 5% so với đầu năm. Dự kiến lợi nhuận trước thuế của Sacombank sẽ đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 53%-76% so với cùng kỳ.

Dự kiến lợi nhuận trước thuế của Sacombank sẽ đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng
Dự kiến lợi nhuận trước thuế của Sacombank sẽ đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng.

Đối với Techcombank, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sẽ đạt khoảng 5.500 - 5.800 tỷ đồng trong quý II, giảm 20% so với cùng kỳ.

Với TPBank, SSI kỳ vọng ngân hàng này sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng khá tốt là 7% so với đầu năm, tuy nhiên, chất lượng tài sản giảm tốc vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Lợi nhuận của TPBank dự kiến đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng, giảm khoảng 25% đến 21% so với cùng kỳ.

Với VIB, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ dương nhưng vẫn ở mức thấp trong quý II do tình hình thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến tích cực cùng với nhu cầu tiêu dùng yếu. Lợi nhuận trước thuế dự kiến của VIB sẽ đạt khoảng 2.800 - 3.000 tỷ đồng, tăng từ 2% đến 9% so với cùng kỳ.

Đối với ACB, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi quanh mức 4,5%-5% so với đầu năm trong quý II, trong khi tăng trưởng huy động có thể thấp hơn một chút và đạt mức 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ thấp hơn mức 1% do ACB ưu tiên trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ đạt khoảng 4.400 - 4.700 tỷ đồng, giảm khoảng 10% đến 4% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, SSI Research cũng đưa ra nhận định sơ lược về VPBank, dự báo lợi nhuận ngân hàng mẹ có thể duy trì ở mức tương đối tốt trong quý II. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh hợp nhất sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều thách thức.

PV (t/h)