Sơn La: Đẩy mạnh thu ngân sách, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công Sơn La: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực |
![]() |
Nhà máy thủy điện Sơn La là một trong nhà máy lớn nhất trên cả nước. |
Sơn La được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông, suối dày đặc và địa hình dốc, tạo điều kiện lý tưởng cho việc phát triển hệ thống thủy điện lớn và nhỏ. Minh chứng rõ ràng cho tiềm năng này là sự hiện diện của 60 dự án thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có đến 57 thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất ấn tượng 3790,05 MW. Hàng nghìn việc làm đã được tạo ra, đồng thời nguồn thu cho ngân sách tỉnh cũng đạt con số đáng kể, hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đây là động lực to lớn để Sơn La tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh có sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đứng đầu khu vực phía Bắc vào năm 2030.
Không chỉ sở hữu tiềm năng về năng lượng, Sơn La còn là một vựa nông sản trù phú. Nhận thức rõ lợi thế này, tỉnh đã tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, từng bước ứng dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến và hiện đại.
![]() |
Phối cảnh Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy VFI, khu Công nghiệp Mai Sơn. |
Các ngành công nghiệp chế biến chủ yếu tập trung vào việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như chè, cà phê, tinh bột sắn, đường, sữa, xi măng… Hiện tại, toàn tỉnh có 34 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp, cùng với khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, tạo nên một mạng lưới sản xuất đa dạng và năng động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất, Sơn La đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Hiện tại, tỉnh đã có 2 khu công nghiệp (Mai Sơn và Vân Hồ) và 2 cụm công nghiệp (Mộc Châu và Gia Phù, huyện Phù Yên) đang hoạt động. Hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp này đang từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà máy, xí nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Sơn La sẽ có thêm 13 cụm công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố Sơn La và các huyện Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã, Mường La, Quỳnh Nhai. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến phát triển thêm 6 cụm công nghiệp mới, mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho việc thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất.
![]() |
Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cùng đoàn công tác kiểm tra dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn (ngày 25/3). |
Theo ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Đến năm 2030, Sơn La phấn đấu trở thành Trung tâm chế biến nông sản hiện đại của khu vực Trung du miền núi Bắc bộ, đồng thời là tỉnh dẫn đầu khu vực phía Bắc về sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Để đạt được mục tiêu này, Sơn La sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp. Tỉnh cũng chú trọng đến việc giảm tỷ trọng sản xuất thô, tăng tỷ trọng sản xuất chế biến sâu theo các công nghệ tuần hoàn, xanh, sạch và bền vững.
Với những nỗ lực không ngừng, Sơn La đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 11%/năm trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh.