Trong năm 2024, Sơn La đã thực hiện triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng định hướng ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm (nhóm sản phẩm nông sản ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến như rau, quả; cà phê, chè, sữa); đẩy mạnh áp dụng, chuyển giao công nghệ chế biến tiên tiến, các tiến bộ về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với doanh nghiệp/HTX của tỉnh Sơn La.
![]() |
Ứng dụng khoa học công nghệ đem lại năng suất cao trong nông nghiệp. |
Cũng trong năm 2024 vừa qua, Sơn La đã tích cực triển khai nhiệm vụ: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ cá nước ngọt tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới”. UBND tỉnh Sơn La quyết định phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đề cương chi tiết, thời gian thực hiện và dự toán kinh phí đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện từ năm 2024, có nhiệm vụ “Nghiên cứu thị trường tiêu thụ và đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống bán lẻ các sản phẩm chế biến từ quả táo mèo (sơn tra) tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ tại tỉnh Sơn La” trong đó có các nội dung liên quan đến chế biến các sản phẩm quả táo mèo.
Thúc đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La có 101 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAPcòn hiệu lực bao gồm 99 cơ sở trồng trọt (rau, củ, cây ăn quả, chè, cà phê) với tổng diện tích 2.229,59 ha, sản lượng 38.8437,56 tấn/năm; 01 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm với quy mô 30 lồng nuôi cá, sản lượng 100 tấn/năm; 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô 30.000 con, sản lượng 45 tấn.
Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình khuyến công, hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2024 đã triển khai chương trình khuyến công địa phương với tổng số 11 nhiệm vụ, với số tiền 1.890 triệu đồng.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh về đầu tư, phát triển, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh; định hướng nghiên cứu ứng dụng năm 2025 và các năm tiếp theo ưu tiên nhiệm vụ KH&CN về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia đề xuất đặt hàng và chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh về phát triển công nghệ sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; triển khai Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ năm 2025. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.