Sôi nổi “cuộc đua” tăng vốn điều lệ, ngân hàng nào “khủng” nhất?

10:30 02/01/2024

Năm 2023, hàng loạt các ngân hàng lên phương án tăng vốn điều lệ và đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản. Cụ thể hiện tại, VPBank đứng đầu bảng về số vốn điều lệ hiện có, phía sau là MB, BIDV, VietinBank, Vietcombank…

Tính đến cuối năm 2023, đã có 25 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP, nguồn vốn chủ sở hữu…

Mới nhất, Vietbank tăng vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng sau chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu, Trong lần này, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới); Giá cổ phiếu bằng với mệnh giá là 10.000 đồng. Như vậy, Vietbank sẽ tăng thêm 1.003 tỷ đồng trong đợt tăng vốn này và ngân hàng dự kiến sử dụng cho việc mở rộng kinh doanh cũng như bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho ngân hàng.

Theo đại diện NCB, nhà băng vừa thông báo Nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng. Theo Nghị quyết, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng mạnh từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng NCB dự kiến dành 900 tỷ đồng trong số vốn tăng thêm để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhận diện thương hiệu, phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong năm 2024-2025. Số tiền 5.300 tỷ đồng còn lại được bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của ngân hàng.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chấp thuận cho Vietcombank thực hiện tăng mức vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.

BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 theo 2 đợt phát hành cổ phiếu. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.

Ngoài ra, Agribank được đề xuất cấp thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội về việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

ĐHĐCĐ của VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023. Nếu các kế hoạch tăng vốn thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 48.058 tỷ đồng lên 66.030 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2023, Ngân hàng nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng (gồm: VPBank, HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, BacA Bank, VietA Bank, NamA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, NCB và KienLongBank). Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Ảnh minh họa

Đứng đầu hệ thống ngân hàng vẫn là VPBank với 79,339 tỷ đồng vốn điều lệ. Với 53,683 tỷ đồng vốn điều lệ, MB vượt lên nhì bảng. Sau đó mới đến 3 ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Không chỉ khối nội, ngân hàng ngoại cũng rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ trong tháng cuối năm. UOB Việt Nam vừa thông báo tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Việc tăng vốn điều lệ này đã được NHNN chấp thuận. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai trong vòng 3 năm qua của Ngân hàng UOB Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng này trong việc đầu tư cho sự tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, đã có khoảng hơn 25 ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn. Tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với những khó khăn, mà còn giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng trở nên bất định, vốn chủ sở hữu là gối đệm giúp cho ngân hàng “hấp thụ” những thiệt hại khi gặp rủi ro. Nên ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mạnh sẽ vững vàng vượt qua các cú sốc. Còn ngân hàng nào vốn chủ sở hữu mỏng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Lý giải về việc muốn tăng vốn của các ngân hàng, TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, trong giai đoạn này việc thu hút đầu tư vốn ngoại là việc làm thường xuyên của các ngân hàng, họ cần có đối tác chiến lược để gia tăng giá trị thương hiệu, xây dựng tên tuổi cũng như tận dụng kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng cả kinh nghiệm và công nghệ từ họ. Đây là câu chuyện dài hạn, chứ không phải bây giờ các ngân hàng mới bắt đầu, vấn đề là có tìm được đối tác chiến lược để hợp tác và phát triển hay không.

Theo ông Huân, vấn đề hiện nay tăng vốn nhằm để đảm bảo an toàn hệ thống của ngân hàng, bởi vì chất lượng tài sản của các ngân hàng đang giảm đi rất nhiều trong thời gian qua, nợ xấu tăng cao. Do đó, để đảm bảo an toàn thì các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để khi có vấn đề xảy ra thì có thể xử lý được.

"Do đó, việc tăng vốn hiện tại là nhằm tăng quy mô ngân hàng lên và còn nhằm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới, còn nhà đầu tư nước ngoài là câu chuyện dài hạn", TS. Nguyễn Hữu Huân nói.

Nhân Hà (t/h)