“Cơn sốt” trà sữa trân châu trên khắp Đông Nam Á đã mang về cho ngành thực phẩm này doanh thu khổng lồ lên tới 3,7 tỷ đô la Mỹ (khoảng 86.000 tỷ đồng)/năm, theo nghiên cứu mới được Momentum Works và startup thanh toán qlub công bố mới đây.
Báo cáo cũng cho thấy, ngành trà sữa trân châu của Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, với doanh thu hằng năm lên tới 1,6 tỷ USD (khoảng 37.400 tỷ đồng).
Đứng thứ 2 là Thái Lan với 749 triệu USD (17.500 tỷ đồng) thu về từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, người Việt chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Khảo sát của một số công ty khác cũng đưa ra con số ấn tượng. Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%). Cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt; con số này có xu hướng tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.
Ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện hãng trà sữa Gong Cha VN, nhìn nhận: “Trà sữa không phải là món nổi lên theo kiểu trào lưu ngắn hạn, “sớm nở tối tàn” như mì cay hay xoài lắc, nó dường như đã trở thành thức uống quen thuộc, nhất là trước sự bùng nổ của thế hệ gen Y và gen Z”.
Thực tế cho thấy, riêng ở phân khúc chuỗi trà sữa chuyên nghiệp, hàng loạt ông lớn đã nhảy vào đầu tư khủng để tìm chỗ đứng. Đơn cử hồi giữa năm ngoái, Tập đoàn Masan chi 15 triệu USD để nắm 20% cổ phần của thương hiệu Phúc Long. Đến tháng 2-2022, tập đoàn này tiếp tục chi thêm 110 triệu USD để trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long, từ đó nắm quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh của thương hiệu này.
Với sự tiếp sức từ đại gia Masan, Phúc Long nhanh chóng mở rộng hình thức kinh doanh theo mô hình kiốt và mở rộng thị trường ở miền Bắc. Kết quả là chỉ trong hai tháng cuối quý I-2022, với biên lãi gộp đạt 68,6% chuỗi trà sữa, cà phê Phúc Long đã thu về khoản lợi nhuận gộp hơn 176 tỉ đồng.
Không đứng ngoài cuộc, Tập đoàn KIDO mới đây đã chính thức ra mắt thương hiệu Chuk Chuk kinh doanh kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát khác. Tập đoàn này kỳ vọng đến hết năm nay sẽ mở khoảng 300-400 cửa hàng tại VN và kết nối với các đối tác chiến lược để đưa chuỗi vươn ra Đông Nam Á, Thái Lan, Hàn Quốc…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, KIDO bắt tay với tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Thái Lan Central Retail để đưa chuỗi của mình vào hệ thống 39 trung tâm thương mại GO! Mall trên toàn quốc. Đồng thời hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim để thực hiện kế hoạch phủ kín các sản phẩm của Chuk Chuk trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết: “Chúng tôi chọn cách kết duyên với các ông lớn ngành bán lẻ để đi xa và đi nhanh hơn. Kỳ vọng hết năm nay, doanh thu từ thương hiệu Chuk Chuk có thể đạt 500 tỉ đồng”.
Nhiều ông lớn khác như E-coffee của Tập đoàn Trung Nguyên, The Coffee House hay hãng lẩu nổi tiếng Haidilao, nhà hàng Manwah… cũng đưa trà sữa vào menu để phục vụ khách hàng, bên cạnh thức uống và đồ ăn khác.
Theo Kantar WorldPanel – một đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, dù cà phê là loại thức uống được mua nhiều nhất nhưng trà mới là thức uống đóng góp nhiều doanh thu nhất trong năm 2021. Thống kê này dành cho các loại thức uống không có cồn khi tiêu dùng bên ngoài. Trong đó, cứ 100.000 đồng chi cho các thức uống từ trà thì có 40.000 đồng là dành cho trà sữa. Cụ thể, 42% người mua trà sữa pha chế (bao gồm trà sữa, trà phủ kem, hoặc sữa tươi trân châu đường đen) với trị giá trung bình đơn hàng mỗi lần mua khoảng 32.000 đồng.
Lâm Nghi