Siết tín dụng, doanh nghiệp gặp khó

22:25 23/05/2022

Nhóm doanh nghiệp bất động sản đang chịu tác động mạnh khi định hướng của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ bất động sản để ngăn chặn bong bóng tài sản.

Trong thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, khách hàng khi trả nợ ngân hàng và đề nghị được vay lại, thì chỉ được xét duyệt dư nợ vay còn khoảng 70-80% so với giá trị khoản vay trước đây. Diễn biến này cho thấy những tín hiệu ngược chiều so với con số tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay.

Trong khi một số ngân hàng cho biết do tăng trưởng tín dụng đã chạm mục tiêu được giao và không còn dư địa để phát triển, vì vậy phải hạn chế số cho vay mới, thì cũng không loại trừ trường hợp các ngân hàng đang có dấu hiệu kiểm soát, thắt chặt tín dụng trước những e ngại rủi ro gần đây, cũng như thanh khoản không còn dồi dào như giai đoạn trước, phần nào làm hạn chế mục tiêu phát triển kinh doanh.

Siết tín dụng, doanh nghiệp gặp khó
Siết tín dụng, doanh nghiệp gặp khó.

Cụ thể, theo số liệu tăng trưởng huy động vốn cập nhật gần nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21-3 chỉ đạt 2,15% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 4,03% cùng thời điểm. Hay như tại địa bàn TPHCM, tăng trưởng huy động vốn bốn tháng đầu năm chỉ đạt 2,74%, chưa đến 40% mức tăng trưởng tín dụng. Trước tình hình thanh khoản chịu nhiều áp lực trở lại, nhiều ngân hàng đã liên tiếp nâng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay.

Việc hạn chế cho vay hay giảm số dư nợ vay mới của khách hàng so với các khoản vay trước đó có thể đặt các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn và ảnh hưởng lên các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh doanh, cũng như có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy dòng tiền, rủi ro thanh khoản, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, bán hàng cũng như dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều tác động tiêu cực trong đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản đang chịu tác động khá lớn, khi định hướng của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ bất động sản để ngăn chặn bong bóng tài sản. Thậm chí, một số ngân hàng gần đây tạm dừng giải ngân dư nợ đối với mục đích cho vay kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, kênh tài trợ vốn quan trọng và có tính chất dài hạn là thị trường chứng khoán cũng đang gặp hạn, với thị trường cổ phiếu liên tục lao dốc còn thị trường TPDN cũng vướng phải những tai tiếng gần đây và liên tục bị cảnh báo rủi ro. Cần biết rằng lượng TPDN đã phát hành trong những năm qua là rất lớn và đang ngày càng đến gần thời điểm đáo hạn. Những chính sách siết chặt hơn ở kênh trái phiếu có thể khiến các doanh nghiệp khó có thể thực hiện các thương vụ phát hành mới để có dòng tiền chi trả cho các khoản vay đến hạn.

Khi dòng vốn đầu tư, kinh doanh bị “bóp” lại, hệ quả là các doanh nghiệp có thể phải đẩy nhanh tiến độ bán hàng, thậm chí bán non dự án để đảm bảo dòng tiền rút về và hoàn trả các khoản vay cho trái chủ, kéo theo giá các tài sản sụt giảm, lao dốc mạnh là điều sớm muộn.

PV