“Siết” kiểm soát quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19

11:04 28/08/2021

Do nhu cầu, tâm lý phòng chống dịch bệnh của người dân tăng cao, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã có hành vi tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng, chống được Covid-19… sai công dụng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Cảnh giác quảng cáo “thần dược” chữa Covid-19

Bên cạnh vaccine, hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19. Thuốc điều trị Covid-19 được đánh giá là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Các chuyên gia dịch tễ học cũng cho hay, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì vậy, việc phát triển các loại thuốc uống điều trị Covid-19 lại càng trở nên cần thiết để người mắc có thể tự điều trị tại nhà, giảm thiểu khả năng phải nhập viện.

Lợi dụng nhu cầu tâm lý phòng chống dịch bệnh của nhân dân tăng cao, một số doanh nghiệp đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính cho ra thị trường một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19”… như trà gừng xuyên tâm liên; Xịt họng xuyên tâm liên; Viên sủi xuyên tâm liên,… đủ các loại thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế gắn với tên gọi của loại thảo dược xuyên tâm liên.

 

Bộ Y tế cảnh báo về 2 sản phẩm Xuyên Tâm Liên giả mạo công dụng phòng chống Covid-19
Bộ Y tế cảnh báo về 2 sản phẩm Xuyên Tâm Liên giả mạo công dụng phòng chống Covid-19. (Ảnh: Internet)

Chẳng hạn, trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19... Những sản phẩm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội kèm theo những lời tư vấn sai sự thật đã khiến cho không ít người nhẹ dạ cả tin mua về để phòng chống Covid-19. Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu sử dụng những sản phẩm này không đúng cách có thể còn gây ra biến chứng cho người dùng.

Đáng nói, không chỉ lợi dụng dịch bệnh quảng cáo sai sự thật, có doanh nghiệp còn sẵn sàng làm giả cả các giấy tờ của cơ quan chức năng nhằm hợp thức hóa quy trình đưa sản phẩm ra thị trường nhằm trục lợi bất chính.

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi các cục quản lý thị trường địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng "kháng virus, kháng Covid-19" như Xuyên tâm liên, Kovir... Trong công văn cũng khẳng định những sản phẩm này đều chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó. Do đó, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, thời gian tới cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định 2 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe này là giả mạo.

Mới đây, đơn vị này đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh tăng cường kiểm soát việc tự công bố, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 do trước đó có nhiều thông tin quảng cáo sai lệch đến loại thuốc này. Trước đó, ngay từ đợt dịch đầu tiên cho đến đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Cục ATTP đã liên tục có các cảnh báo không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị Covid-19 và đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định.

Để tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi, tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Cục ATTP đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý An ATTP TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh thực hiện rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần Xuyên Tâm Liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh do Covid-19 (bao gồm cả các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng, chống được Covid-19); yêu cầu thu hồi bản tự công bố sản phẩm, thu hồi sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; công bố công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Cục ATTP cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương (Công an, Quản lý thị trường, Thông tin và Truyền thông…) để tăng cường các hoạt động kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn và quảng cáo các sản phẩm nêu trên; kịp thời ngăn chặn sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai để người dân biết.

Mai Anh