Đến tháng 7/2025, Lâm Đồng có 913 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt 15% kế hoạch đề ra. Cụ thể, 821 sản phẩm đạt 3 sao, 85 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 5 sao. Những con số này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ về số lượng mà còn thể hiện chất lượng ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, các sản phẩm OCOP đều được xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, thiết kế bao bì hiện đại phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số đang trở thành yếu tố then chốt trong việc kết nối cung cầu và quảng bá sản phẩm hiệu quả.
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội tại phường Bình Thuận là một trong những mô hình điển hình. Với diện tích canh tác hơn 81 ha thanh long, trong đó 10 ha đạt chuẩn GlobalGAP, HTX đang cung ứng hàng trăm tấn thanh long mỗi năm ra thị trường trong và ngoài nước.
Bà Ngô Xuân Khánh Vân - Giám đốc Kinh doanh HTX - cho biết: "Sản phẩm thanh long ruột đỏ của chúng tôi đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thông qua việc ứng dụng các nền tảng số, chúng tôi đã mở rộng được thị trường xuất khẩu đồng thời duy trì ổn định nguồn cung trong nước."
Không chỉ riêng HTX Phú Hội, nhiều chủ thể OCOP khác cũng đang gặt hái thành công từ việc ứng dụng công nghệ số. HTX Thanh long sạch Hòa Lệ và HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 đã xuất khẩu thành công thanh long sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và UAE.
Trong lĩnh vực trái cây nhiệt đới, Công ty TNHH TM-SX Long Thủy và Công ty TNHH SX-TM-DV A Hùng với sản phẩm sầu riêng OCOP đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu ổn định sang thị trường Trung Quốc.
Các sản phẩm chế biến cũng đạt được kết quả ấn tượng. HTX Công Bằng Thuận An với sản phẩm cà phê bột đạt OCOP 4 sao đã thành công xuất khẩu sang Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu. Tương tự, Công ty TNHH Chăn nuôi TAFA Việt tại xã Trà Tân với sản phẩm trứng gà tươi và trứng gà nướng đạt chứng nhận OCOP 4 sao đang có mặt tại các đại lý, cửa hàng nông sản và hệ thống siêu thị trên cả nước.
![]() |
Sở Công thương tỉnh tích cực triển khai đề án Truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm OCOP. Ảnh Đất Việt |
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng cẩm nang điện tử và tổ chức các khóa tập huấn về số hóa quy trình OCOP.
Thông qua các chương trình này, doanh nghiệp và hộ sản xuất được hỗ trợ cập nhật hồ sơ sản phẩm, học cách quảng bá và bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, chợ phiên OCOP, website, fanpage và sản xuất clip trải nghiệm thực tế. Những hoạt động này không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mà còn lan tỏa giá trị văn hóa và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm đến người tiêu dùng.
Hệ thống này không chỉ khẳng định tính minh bạch mà còn nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, Sở cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và HTX tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh, xây dựng website thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại lớn do Bộ Công thương triển khai.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, quá trình ứng dụng nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Nhiều chủ thể là HTX quy mô nhỏ hoặc hộ sản xuất cá thể còn hạn chế về kỹ năng số, khả năng tiếp cận thị trường lớn và xây dựng thương hiệu bền vững.
Để sản phẩm OCOP Lâm Đồng phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước, cần có sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ những thách thức này một cách có hệ thống và hiệu quả.