Không còn là điểm dừng chân trên bản đồ địa lý, Quảng Trị đang chủ động vươn mình trở thành mắt xích chiến lược trong mạng lưới kinh tế liên quốc gia, với trọng tâm là mở rộng về phía Tây – nơi được xác định là động lực mới của hội nhập khu vực. Thay vì phát triển dàn trải, tỉnh tập trung vào hai đột phá: mở rộng biên giới thương mại và tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng. Tư duy phát triển không gian đa chiều đã giúp vùng đất từng gắn với chiến tranh trở thành cầu nối thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Myanmar.
Đáng chú ý, trong quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Trị đã xác định tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và hành lang PARA EWEC là hai trục chính kết nối nội lực địa phương với mạng lưới thương mại quốc tế. Các tuyến quốc lộ 9, 15B và 15D đang trở thành "xương sống giao thông", kết nối các cửa khẩu quốc tế như Lao Bảo, La Lay với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp và các trung tâm sản xuất mới nổi.
Song song với hạ tầng cứng là những nỗ lực về thể chế. Quảng Trị phối hợp với Savannakhet (Lào) xây dựng mô hình khu kinh tế xuyên biên giới Lao Bảo – Densavan theo hướng tự do thương mại kiểu mới, áp dụng cơ chế ưu đãi và đồng bộ chính sách. Các doanh nghiệp địa phương cũng chủ động bám sát chiến lược này. Một loạt dự án như trồng cao su tại Salavan, cà phê sinh thái tại Nam Lào hay điện lực xuyên biên giới đã chứng minh sự năng động trong việc khai thác cơ hội vượt biên.
![]() |
Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) |
Tỉnh cũng đang phát triển hệ thống logistics, gồm cảng nước sâu Mỹ Thủy (vận hành cuối 2025), cảng cạn VSICO, cảng CFG Nam Cửa Việt, cùng khu công nghiệp và sân bay Quảng Trị. Những dự án này không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển mà còn nâng cấp năng lực cạnh tranh vùng trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Một điểm sáng trong chiến lược mới là hành lang PARA EWEC – tuyến liên kết mới từ La Lay (Việt Nam) đến Ubon Ratchathani (Thái Lan) qua Salavan (Lào). Hành lang này không chỉ giảm áp lực cho EWEC mà còn mở ra tuyến vận tải than đá từ mỏ Kaleum (Nam Lào) về Việt Nam, với khối lượng ước tính hơn 500 triệu tấn trong 50 năm tới.
Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh Quảng Trị hiện không chỉ đầu tư hạ tầng, mà đang kiến tạo một hệ sinh thái logistics, nơi dòng vốn, dòng hàng, dòng chính sách và nguồn nhân lực được lưu chuyển hiệu quả. |
Các tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Cam Lộ – Vạn Ninh cũng góp phần mở rộng trục kết nối Bắc – Nam và Đông – Tây. Nếu cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo được phê duyệt, Quảng Trị sẽ sở hữu một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, sẵn sàng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa liên quốc gia.
Từ một vùng biên vốn được xem là vùng trũng phát triển, Quảng Trị đang từng bước xác lập vai trò mới – không chỉ là điểm đến đầu tư mà còn là điểm khởi đầu cho các tuyến vận tải xuyên Á. Đây chính là tầm nhìn mà Quảng Trị đang theo đuổi: kết nối để vươn lên.