Chiều 13/5, Ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đã tổ chức phiên họp đầu tiên nhằm thảo luận, thống nhất nhiều nội dung trọng tâm, khởi động quá trình hợp nhất hai địa phương thành tỉnh Quảng Trị mới.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh: Việc hợp nhất hai tỉnh là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện quyết tâm của Đảng trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mở rộng không gian phát triển và tạo động lực mới cho khu vực Bắc Trung Bộ. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới dự kiến đặt tại thành phố Đồng Hới.
Đồng chí khẳng định, hợp nhất không chỉ là bài toán tổ chức hành chính mà còn là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải hành động khẩn trương, phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể trong suốt quá trình thực hiện.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả”, đồng thời thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, trong đó có việc xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới và phương án tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp cán bộ, xử lý trụ sở dôi dư sau hợp nhất.
![]() |
Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình – Quảng Trị vừa có phiên họp đầu tiên, khởi động tiến trình sáp nhập hai tỉnh. Lãnh đạo hai địa phương thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển bền vững. |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh sau sáp nhập là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Đồng chí đề nghị Tổ giúp việc sớm được thành lập và khẩn trương triển khai việc soạn thảo báo cáo chính trị với yêu cầu ngắn gọn, rõ ràng, định hướng cụ thể các mục tiêu và giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Long Hải cũng lưu ý việc chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, bảo đảm tính hợp lý và hài hòa giữa hai địa phương; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo vận hành thống suốt các phần mềm quản lý, hướng tới xây dựng nền hành chính số hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Quang giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo – hoàn thiện các dự thảo để trình ký, ban hành chính thức. Đồng chí đề nghị sớm thành lập các tổ giúp việc chuyên trách theo từng lĩnh vực và yêu cầu hai tỉnh phối hợp rà soát hiện trạng tài sản công, lập phương án sử dụng, điều chuyển hoặc chuyển đổi công năng trụ sở hành chính sau sáp nhập để tránh lãng phí.
Đặc biệt, đồng chí lưu ý đến việc hỗ trợ kịp thời về nhà công vụ, điều kiện đi lại, sinh hoạt cho cán bộ từ Quảng Trị ra công tác tại Đồng Hới, nhằm bảo đảm đời sống ổn định và tâm lý an tâm công tác.
"Khối lượng công việc trước mắt rất lớn, thời gian lại gấp rút, yêu cầu của Trung ương rất cao và kỳ vọng của Nhân dân cũng không nhỏ. Do vậy, Ban Chỉ đạo cần thể hiện quyết tâm cao độ, giữ vững nguyên tắc phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao trong từng bước triển khai. Mọi công việc liên quan đều phải được bàn bạc kỹ lưỡng giữa hai tỉnh để tạo sự đồng thuận, hiệu quả", đồng chí Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.