![]() |
Nhà máy Paldo Vina tại Phú Thọ. |
"Vua xe điện" Trung Quốc kiếm 2,8 tỷ USD từ máy tính bảng, "đại gia" Modun, ổ cứng Hàn Quốc xuất khẩu 13,4 tỷ USD
Phú Thọ đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện và chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh này đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ngay từ cuối năm 1992, Phú Thọ đã ghi dấu ấn với sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI đầu tiên – Công ty TNHH Pangrim Neotex (Hàn Quốc), mở đầu cho làn sóng đầu tư quốc tế vào địa phương với dự án nhà máy dệt nhuộm 100% vốn nước ngoài. Từ đó đến nay, tỉnh không ngừng cải thiện năng lực thu hút và quản lý đầu tư.
Tính đến cuối năm 2023, Phú Thọ đã thu hút trên 200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,1 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2024, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh cho 32 dự án FDI, nâng tổng vốn đăng ký thêm 270,5 triệu USD – tăng 10 dự án và hơn 31 triệu USD so với năm 2023.
Tính riêng trong ba tháng đầu năm 2025, Phú Thọ đã thu hút thêm 5 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký gần 8 triệu USD – cho thấy tín hiệu tích cực trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư ngày càng khốc liệt.
Góp phần vào kết quả ấn tượng này là những chuyển biến rõ rệt trong cải cách hành chính. Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phú Thọ tăng 14 bậc, lọt vào nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đồng thời, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cũng tăng 9 bậc, vươn lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành.
Sự hiện diện của những “ông lớn” toàn cầu
Nổi bật trong danh sách các nhà đầu tư là Tập đoàn BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là đối thủ đáng gờm của Tesla trên toàn cầu. BYD đã chọn Khu công nghiệp Phú Hà để xây dựng nhà máy điện tử quy mô lớn, tập trung sản xuất và lắp ráp máy tính bảng, linh kiện điện tử, flycam, robot công nghiệp, chip và module viễn thông 4G-5G.
Tính đến năm 2024, BYD Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư lên 269 triệu USD, diện tích nhà máy 26 ha, sử dụng hơn 11.000 lao động và dự kiến đạt doanh thu 2,8 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 4,5 tỷ USD. Khi nhà máy thứ ba hoàn tất vào giữa năm 2025, năng lực sản xuất có thể đạt 15 triệu thiết bị mỗi năm, nâng tổng số lao động lên trên 15.000 người.
Không chỉ có BYD, nhiều tập đoàn lớn khác cũng đang hoạt động sôi nổi tại Phú Thọ. VSUN – doanh nghiệp Nhật Bản – đã đầu tư 200 triệu USD vào dự án sản xuất tấm cell pin năng lượng mặt trời. Công ty TNHH Dệt Regent Việt Nam rót 180 triệu USD vào lĩnh vực dệt may, trong khi Yida Việt Nam triển khai nhà máy thời trang cao cấp trị giá gần 113 triệu USD. Những dự án này không chỉ tạo việc làm mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Phú Thọ không chỉ là điểm đến mới cho các tập đoàn công nghệ, mà còn là nơi “đóng quân” lâu dài của nhiều thương hiệu FDI quen thuộc.
Công ty TNHH Paldo Vina (Hàn Quốc), chuyên sản xuất mì ăn liền Koreno và đồ uống Pororo, hiện vận hành nhà máy tại KCN Thụy Vân với công suất 270 triệu gói mì mỗi năm. Tháng 8/2024, doanh nghiệp đã tăng vốn lên gần 710 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng với nhà máy thứ hai tại Tây Ninh.
Công ty TNHH Daesang Việt Nam (trước đây là Miwon Việt Nam), với lịch sử hơn 30 năm hoạt động tại Phú Thọ, hiện sở hữu nhà máy sản xuất gia vị công suất lớn, đóng góp việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Tính đến tháng 10/2024, vốn điều lệ của công ty đã đạt hơn 1.050 tỷ đồng, cho thấy cam kết gắn bó lâu dài với địa phương.
Đặc biệt, Công ty TNHH HangYang Digitech Vina – chuyên sản xuất module bộ nhớ và ổ cứng SSD – hiện đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Từ mức 1,1 tỷ USD năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của công ty đã tăng lên 13,4 tỷ USD vào năm 2024, phản ánh sức bật mạnh mẽ sau 5 năm đầu tư.
Với vị trí chiến lược gần Thủ đô Hà Nội, mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện, hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư bài bản và chính sách hỗ trợ tích cực từ chính quyền, Phú Thọ đang trở thành “thỏi nam châm” hút FDI của khu vực phía Bắc.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Phú Thọ nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, công nghiệp thực phẩm và sản xuất thông minh.