Các nhà đầu tư thứ cấp tại Cụm công nghiệp Vạn Xuân, huyện Tam Nông được tạo thuận lợi quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đi vào sản xuất. |
Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai 1.853 dự án liên quan đến việc thu hồi, giao đất với diện tích hơn 10.000 ha. Dẫu vậy, chỉ có 211 dự án được hoàn tất, trong khi 1.280 dự án đang trong quá trình thực hiện và 362 dự án vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ này là do những vướng mắc trong luật đầu tư và xây dựng, nhất là khi Luật Đất đai mới 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đòi hỏi sự thích ứng kịp thời từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, việc đề xuất các dự án liên quan đến đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất là điều cần thiết. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ hội để đảm bảo sự phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời đưa các quy định của Luật Đất đai mới vào thực tiễn hiệu quả.
HĐND tỉnh đang chuẩn bị thông qua danh mục 280 dự án với tổng diện tích trên 635 ha. Trong đó bao gồm 189 ha đất trồng lúa, gần 150 ha đất rừng và 299 ha đất khác. Cùng với đó, nghị quyết cũng đề xuất đăng ký lại 242 dự án với diện tích 1.270 ha và điều chỉnh 123 dự án với diện tích gần 850 ha.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện danh mục 24 công trình, dự án phải thu hồi đất với diện tích đất trồng lúa và các loại đất rừng khác chiếm hơn 53 ha.
Quyết định đưa ra danh mục những dự án này không chỉ nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ.