Mường Tè sở hữu những điều kiện tự nhiên lý tưởng cho sự phát triển của sâm Lai Châu. Với diện tích tự nhiên gần 267.500 ha, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, đặc biệt là dãy núi Pusilung với độ cao trung bình từ 2.000-3.000m so với mực nước biển. Tỷ lệ che phủ rừng chiếm trên 67%, tạo nên một hệ sinh thái rừng ẩm ướt, mát mẻ, là môi trường hoàn hảo cho sâm tự nhiên sinh trưởng và phát triển.
Ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè - cho biết, thực hiện Đề án phát triển sâm Lai Châu của tỉnh, huyện đã chủ động quy hoạch vùng trồng với diện tích lên đến hàng chục nghìn ha tại các xã có điều kiện phù hợp như Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ…
![]() |
Vườn giống sâm Lai Châu tại xã Tá Bạ, huyện Mường Tè |
Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là tập trung vào cây sâm Lai Châu.
Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, UBND huyện Mường Tè còn tích cực tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư và hỗ trợ người dân tham gia trồng sâm. Huyện luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của địa phương.
![]() |
Cây sâm Lai Châu được trồng dưới nhà màng |
Từ thực tế phát triển sản phẩm trên địa bàn Mường Tè, ông Vũ Văn Cương – Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè - chia sẻ, sau quá trình khảo sát thực tế và được sự tư vấn của các nhà khoa học cùng định hướng của tỉnh và huyện, công ty đã triển khai trồng sâm Lai Châu tại bản Nhóm Pố (xã Tá Bạ). Qua 5 năm triển khai, huyện thấy đây là cây trồng bản địa có đặc tính phù hợp để phát triển dưới tán rừng, không còn là cây nông nghiệp xóa đói, giảm nghèo đơn thuần mà có thể giúp bà con làm giàu ngay tại quê hương.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè đã đạt được gần 5ha diện tích vườn trồng, với trên 1.500 cây sâm giống gốc và trên 6.000 cây sâm bố mẹ 5 năm tuổi. Mỗi năm, đơn vị có thể sản xuất thêm hàng chục nghìn cây giống. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 2-3ha và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 20ha. Đặc biệt, công ty còn dự kiến nghiên cứu, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Tè đã có trên 50ha sâm Lai Châu được tổ chức trồng bởi 6 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 100 hộ nông dân. Huyện Mường Tè đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và thu hút nhà đầu tư thực hiện liên kết trồng sâm Lai Châu tại các xã có tiềm năng, lợi thế.