![]() |
Ông Trump họp nhà đầu tư tìm lối đi cho TikTok khi thời hạn bị cấm tại Mỹ đến gần |
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn chót 5/4 – thời điểm TikTok phải tìm được nhà đầu tư không thuộc Trung Quốc hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Trước tình thế này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tích cực thúc đẩy một thương vụ mua lại TikTok, đồng thời để ngỏ khả năng gia hạn thời gian nếu cần thiết.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Trump sẽ chủ trì một cuộc họp vào ngày 2/4 tại Phòng Bầu dục để thảo luận về tương lai của TikTok. Cuộc họp có sự tham gia của Phó Tổng thống JD Vance, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard.
Trong số các nhà đầu tư tiềm năng, tập đoàn công nghệ Oracle - nhà cung cấp dịch vụ đám mây của TikTok - đang nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Ngoài ra, hãng đầu tư tư nhân Blackstone, tập đoàn do tỷ phú Frank McCourt đứng đầu, Microsoft và cựu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cũng đang cân nhắc tham gia thương vụ.
Theo Reuters, một nhóm nhà đầu tư do Susquehanna International Group và General Atlantic dẫn đầu đang tìm cách tăng cổ phần trong ByteDance để kiểm soát TikTok tại Mỹ. Đồng thời, Andreessen Horowitz, quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, cũng đang đàm phán để bổ sung thêm vốn vào thương vụ này.
Đáng chú ý, một tập đoàn do CEO của Roblox dẫn đầu được cho là đã đề nghị mua lại TikTok với mức giá hơn 30 tỷ USD, trong khi nhóm của tỷ phú Frank McCourt đưa ra con số 20 tỷ USD tiền mặt kèm theo kế hoạch cải tiến ứng dụng bằng công nghệ blockchain nhằm tăng cường quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng.
Trước đây, Đạo luật được ký vào tháng 4/2024 dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok vì lý do an ninh quốc gia. Nếu không tuân thủ, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và cửa hàng ứng dụng tại Mỹ sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ cho TikTok.
Tuy nhiên, lập trường của ông Trump sau khi tái nhậm chức Tổng thống đã thay đổi đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên. Trước đây, ông từng ủng hộ lệnh cấm TikTok, nhưng trong chiến dịch tranh cử gần đây, ông lại nhấn mạnh mong muốn duy trì nền tảng này, xem đây là kênh quan trọng để tiếp cận cử tri trẻ.
"Rất nhiều người muốn mua TikTok. Tôi chắc chắn sẽ có một thỏa thuận. Chúng tôi có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Tôi muốn TikTok tiếp tục tồn tại, và nếu cần thiết, tôi có thể sẽ gia hạn thêm thời gian để tìm ra giải pháp," ông Trump tuyên bố.
Thậm chí, ông Trump còn gợi ý khả năng giảm thuế quan đối với Trung Quốc nếu chính phủ nước này chấp thuận thương vụ bán TikTok. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Côn khẳng định: "Trung Quốc đã nhiều lần nêu rõ lập trường của mình về vấn đề TikTok và sự phản đối đối với việc áp dụng thêm thuế quan cũng luôn nhất quán và rõ ràng".
Trước sức ép từ chính phủ Mỹ, TikTok liên tục khẳng định rằng dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ trên máy chủ của Oracle và các quyết định kiểm duyệt nội dung không bị kiểm soát bởi Trung Quốc. TikTok cũng đã kháng cáo lệnh cấm lên Tòa án Tối cao Mỹ, nhưng không thành công.
Trong khi đó, nhiều nhóm bảo vệ quyền tự do ngôn luận chỉ trích đạo luật cấm TikTok, cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Việc cấm một nền tảng truyền thông phổ biến như TikTok có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin và tự do biểu đạt của người dân Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, nếu không có nhà đầu tư nào chính thức tiếp quản TikTok trước ngày 5/4, ứng dụng này có nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Tuy nhiên, với những động thái linh hoạt của ông Trump, một số nhà phân tích tin rằng TikTok vẫn có thể tiếp tục hoạt động, ít nhất là trong ngắn hạn, nếu Tổng thống quyết định gia hạn thời gian để hoàn tất thương vụ.